Ngày 20/3, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Khưu Hồng Trọng (sinh năm 1988, ngụ quận 12) 6 năm tù, Trần Xuân Đức (sinh năm 1990), Nguyễn Tấn Thanh (sinh năm 1995) cùng mức án 5 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Cùng tội danh trên, HĐXX tuyên phạt các đồng phạm của Trọng từ 2 đến 4 năm tù.
Các bị cáo trong đường dây bảo kê, cưỡng đoạt tài sản lãnh án. |
Một số tang vật vụ án, được băng nhóm này mang theo sử dụng khi đi thu tiền bảo kê. |
Theo cáo trạng, lúc 18h ngày 5/7/2016, Đức yêu cầu Nguyễn Tấn Thanh, Nguyễn Tấn Thành đến quán karaoke do vợ chồng anh Phước và chị Thắm làm chủ để thu tiền bảo kê tháng 7/2016, số tiền là 63 triệu đồng.
Khi đưa tiền, chị Thắm nói với Thanh số tiền 50 triệu đồng là tiền chị Thắm mượn của Đức, còn 13 triệu đồng là tiền bảo kê tháng 7/2016, trong đó quán karaoke là 10 triệu đồng và 3 triệu đồng là tiền bảo kê quán ăn. Khi lấy tiền xong thì Thanh và Thành bị Công an TPHCM bắt quả tang.
Tại cơ quan điều tra, Thanh và Thành khai nhận là đàn em của Đức và Trọng có nhiệm vụ nuôi gà đá và đi thu tiền bảo kê các quán karaoke, quán nhậu, quán cà phê, tiệm hớt tóc trên đường Hà Huy Giáp, quận 12.
Qua quá trình điều tra Đức, Trọng khai nhận từ tháng 3/2015, Đức và Trọng bàn bạc với nhau tới quán karaoke do anh Phước, chị Thắm làm chủ gây áp lực quậy phá đuổi đánh khách. Sau đó Đức, Trọng đến gặp anh Phước đặt vấn đề thu tiền bảo kê 30 triệu đồng/tháng, nếu không đóng tiền sẽ quậy phá không cho hoạt động.
Chủ quán năn nỉ xin giảm còn đóng 20 triệu đồng/tháng. Đến tháng 1/2016, lấy lý do quán karaoke hoạt động không hiệu quả, chủ quán xin giảm xuống còn 10 triệu đồng/tháng.
Sau đó, anh Phước tiếp tục mở quán nhậu cũng trên đường Hà Huy Giáp nhằm cải thiện tình hình kinh tế, chúng lại hung hăng tới đặt vấn đề. Quán này anh Phước phải nộp 15 triệu đồng/tháng tiền bảo kê cho chúng. Tại đây, chúng thường xuyên đánh nhân viên, quản lý. Thậm chí khách hàng vào nhậu, thấy ngứa mắt chúng cũng đánh không tha. Chúng chiếm luôn hai chòi trong quán làm nơi ăn ở, ngủ nghỉ, chơi ma túy. Sau một thời gian, khách sợ không dám tới nữa, quán phải đóng cửa.
Từ tháng 4/2015, đến tháng 6/2016, chị Thắm đã đóng tiền bảo kê cho Đức và Trọng trên 203 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra xác định được 6 quán (cà phê, tiệm hớt tóc) trên đường Hà Huy Giáp bị nhóm này tới quậy phá đặt vấn đề thu tiền bảo kê 2-3 triệu đồng/tháng.
Số tiền có được, Đức và Trọng chia một phần cho anh em, phần còn lại cho vay nặng lãi với lãi suất 20%/tháng.
Quá quá trình điều tra, do anh Phước, chị Thắm và tất cả bị hại đã thay đổi địa chỉ cư trú, tòa có tống đạt quyết định nhưng không được và những người này không có mặt tại phiên tòa.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người này, HĐXX quyết định tách phần dân sự ra khỏi vụ án này, lúc nào các bị hại có đơn yêu cầu bồi thường sẽ được xử lý bằng một vụ án dân sự.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí