Thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội - “Vân tay” định nghĩa “cái tôi” thời kỹ thuật số
Khảo sát gần đây của một website tuyển dụng cho thấy 92% nhà tuyển dụng hiện nay tìm hiểu về ứng viên trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Từng bài viết, hình ảnh bạn chia sẻ, những trang, hội nhóm bạn tham gia trên mạng xã hội, cách bạn dùng ngôn từ, giao tiếp, địa điểm bạn đến, lối sống, thói quen... tất cả tạo nên một vùng tâm lý về cá tính, quan điểm, trình độ chuyên môn và nhân phẩm của bạn trong mắt mọi người.
Chưa bao giờ tiếng nói cá nhân được cất lên dễ dàng như ngày nay. Có vô vàn thiết bị thông minh hỗ trợ, hàng chục loại mạng xã hội để bạn lựa chọn lan truyền thông điệp cá nhân. Nhưng nhiều người cho rằng đó đơn giản là nơi để “chơi”, để giải trí nhưng mạng xã hội còn làm được nhiều hơn thế.
12 thí sinh của Teen Talk 2018. |
Ngay vòng thi Hùng biện đối kháng đầu tiên của đêm chung kết cuộc thi Teen Talk 2018, Bảo Khánh (THPT Chu Văn An) và Hải Vân (THPT Chuyên Lam Sơn) đã mở màn cuộc thi với câu hỏi: Liệu mạng xã hội có phải phương tiện hữu hiệu để xây dựng hình ảnh cá nhân?
Nếu Bảo Khánh bảo vệ ý kiến rằng mạng xã hội là rất quan trọng giúp tạo dựng hình ảnh cá nhân của bạn và giúp ích cho công việc của bạn trong tương lai thì Hải Vân phản biện rằng có rất nhiều cách để xây dựng hình ảnh ngoài mạng xã hội đồng thời đưa ra những bất lợi khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều.
“Nếu bạn quá đắm chìm trong đó, bạn sẽ không thể thực sự là con người của mình trong đời thực”, Hải Vân nêu quan điểm.
Tiếp nối vấn đề, Yến Nhi (THPT Cầu Giấy) đưa ra quan điểm: “Không ít bạn trẻ chỉ xây dựng hình ảnh theo phong trào, thấy ai nổi tiếng thì bắt chước theo mà thôi”. Trái ngược với Yến Nhi, Thái Hà (THPT Chuyên Ngoại ngữ ) cho rằng “Việc bạn thấy ai đó nổi tiếng và học theo họ là điều rất tự nhiên, quan trọng là bạn cần tỉnh táo”.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, giám khảo Teen Talk 2018 cho biết: “Mạng xã hội là cơ hội lớn cho cá nhân cũng như tổ chức xây dựng thương hiệu của mình một cách nhanh chóng. Đây cũng là xu hướng của giới trẻ và đòi hỏi sự nỗ lực từ chính các bạn”.
Xây dựng thương hiệu cá nhân không đơn giản chỉ để “làm đẹp” hồ sơ của bạn trong mắt các nhà tuyển dụng, mà nếu biết cách tận dụng mạng xã hội thông minh, bạn hoàn toàn có thể nâng tầm giá trị của mình.
“Hãy nhìn fashionista Châu Bùi – một cô gái cá tính dùng chính cái tôi độc đáo ấy để xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội và đã cực kỳ thành công, trở thành biểu tượng của giới trẻ” - Khánh Linh (THPT Chuyên Hạ Long) bày tỏ trong phần tranh biện với ý kiến của Phương Thảo (THPT Chuyên Sư phạm).
Đây cũng là phần tranh biện về vấn đề cái tôi thương hiệu và cái tôi đời thực có cần đồng nhất. Nếu ta chỉ biết xây dựng cái tôi trên mạng xã hội, đánh mất chính mình, bấu víu vào những lượt like, share thì thực sự lúc đó ta “mất” nhiều hơn là “được”.
Quan điểm này cũng đã đưa Khánh Linh xuất sắc bước vào vòng 2 cùng 5 bạn thí sinh khác là: Phạm Trịnh Hương Giang (THPT Lomonoxop), Nguyễn Thùy Dương (THPT Thanh Miện), Nguyễn Thái Hà (THPT Chuyên Ngoại ngữ), Nguyễn Thành Nam (THPT Chuyên Bắc Ninh) và Chu Thị Vân Hà (THPT Đan Phượng).
Bảo Khánh – Hải Vân trong phần Hùng biện đối kháng với chủ đề vai trò của mạng xã hội trong xây dựng thương hiệu bản thân. |
Hương Giang – Thành Nam tranh luận: "Thương hiệu cá nhân có là yếu tố quan trọng nhất trên mạng xã hội?" |
Chu Thị Vân Hà (THPT Đan Phượng) và quan điểm về những hình ảnh cá nhân như Linh Ka hay Tùng Sơn. Vân Hà cho rằng nên nhìn ở cả 2 góc độ, tích cực và tiêu cực. |
Tạo dựng hình ảnh trên mạng xã hội có dễ dàng?
Bước vào vòng 2, các thí sinh đã mang đến những màn hùng biện xoay quanh các khía cạnh thú vị đặc biệt là việc trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội.
“Hiện nay, những trường hợp như Link Ka, Tùng Sơn,...là những hình ảnh cá nhân được xây dựng không phải bằng tài năng. Về điều này, chúng ta cần xem xét ở hai góc độ: Tích cực và tiêu cực.
Sự nổi tiếng nhanh chóng và rộng rãi là điều hầu hết ai cũng muốn khi xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội nhưng nó cũng kèm theo nhiều hệ lụy. Những bạn trẻ còn thiếu sự trưởng thành, thiếu định hướng lại nổi tiếng quá sớm dễ dẫn đến nhiều điều tiêu cực”, Chu Thị Vân Hà (THPT Đan Phượng) chia sẻ.
Đăng tải một vài clip vô bổ, làm những trò lố lăng, kệch cỡm, gây sốc,...nhưng những cá nhân ấy lại nổi tiếng nhanh chóng chỉ sau một đêm. Sự nổi tiếng dễ dàng có thể mang lại nhiều cái lợi trước mắt nhưng cái giá của nó là cái nhìn và định kiến xã hội vốn rất khó thay đổi. Hơn hết hào quang ấy có bền vững? Liệu người ta có mãi thấy thích thú với một người chỉ ngồi đó làm vài hành động kỳ khôi, những trò đùa cợt nhả?
Nguyễn Thùy Dương (THPT Thanh Miện) cho rằng: “Thước đo để phân biệt sự nổi tiếng ảo trên mạng và sự nổi tiếng thực sự đó là sự nỗ lực và thời gian. Để thực sự nổi tiếng bạn cần nỗ lực gấp nhiều lần và mất nhiều thời gian hơn. Nhưng sự nổi tiếng ấy chắc chắn bền vững hơn”.
Tiếp nối quan điểm này, Khánh Linh (THPT Chuyên Hạ Long) khẳng định, tài năng là yếu tố đầu tiên để xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, sau đó mới là những yếu tố khác.
Có thể nói, xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội dễ hay khó nằm ở việc bạn thực sự muốn tạo dựng hình ảnh của mình như thế nào. Bởi đánh bóng hình ảnh trên mạng xã hội không thôi là chưa đủ. Cái chúng ta cần có là tài năng thật sự, là nhân cách con người thực có của bạn. Hãy rèn luyện để có điều ấy trước khi chia sẻ chúng. Mạng xã hội là phương tiện truyền tải, không phải là tất cả.
Nguyễn Khánh Linh (THPT Chuyên Hạ Long) chia sẻ câu chuyện muốn dùng hình ảnh cá nhân để kêu gọi mọi người cùng mình giúp đỡ trẻ em Châu Phi và thế giới, giống như cách Linh đã từng được giúp đỡ. Với ước mơ trở thành cô giáo dạy cho những em nhỏ ở Châu Phi, Khánh Linh đã trở thành Á Quân Teen Talk 2018. |
Xây dựng hình ảnh một cách có trách nhiệm
Sau hai vòng thi, ban giám khảo đã tìm ra 3 thí sinh xuất sắc nhất bước vào vòng đấu cuối cùng với chủ đề: “Your personal branding strategy in the next 3 years” (tạm dịch: Chiến lược tạo dựng hình ảnh các nhân của bạn trong 3 năm tới) từ Hội đồng Giám khảo và có 3 phút để trình bày ý kiến riêng của mình.
Nếu Nguyễn Thái Hà (THPT Chuyên Ngoại ngữ) cho rằng lứa tuổi học sinh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tính cách và con người nên việc xây dựng hình ảnh là rất khó, cần có thời gian thì Nguyễn Khánh Linh (THPT Chuyên Hạ Long) và Phạm Trịnh Hương Giang (THPT Lomonoxop) đã chia sẻ những dự định vô cùng táo bạo.
“Bản thân em đã từng được một người bạn nước ngoài giúp đỡ để có thể nói tiếng Anh tốt như hiện nay và em tự tin vào khả năng của mình.
Em muốn trong 3 năm tới, thông qua mạng xã hội, em có thể kêu gọi mọi người cùng chung tay với mình giúp đỡ những trẻ em ở Châu Phi và trên toàn thế giới. Em luôn muốn trở thành một cô giáo đến dạy học cho các em nhỏ ở Châu Phi, giúp đỡ các em như cách em đã từng được giúp đỡ”, Khánh Linh chia sẻ.
Trong khi đó, Hương Giang lại cho biết “Em hiểu mình vẫn còn trẻ và còn nhiều điều em muốn khám phá. Em yêu trang điểm và đam mê công việc ấy, em luôn ấp ủ việc có một thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình”. Đó cũng là hình ảnh cá nhân mà Giang muốn xây dựng trong tương lai.
Phạm Trịnh Hương Giang (THPT Lomonoxop) với quan điểm về việc xây dựng và sử dụng thương hiệu cá nhân thật hiệu quả để đạt được những mục tiêu tương lai đã xuất sắc giành ngôi Quán quân Teen Talk 2018. |
“Hãy có trách nhiệm với những gì bạn chia sẻ”, đó là lời khuyên của Lưu Thị Phương Thảo, Quán quân Teen Talk 2017, Đại sứ Teen Talk năm nay.
Theo Thảo, những gì bạn chia sẻ không chỉ giúp tạo dựng hình ảnh cá nhân bạn mà còn ảnh hưởng đến những người nằm trong vòng kết nối của bạn. Hãy kiểm chứng thông tin mỗi khi đăng tải hay phát ngôn bất kỳ điều gì, hãy lan tỏa những điều có ích cho xã hội.
Nhìn ở khía cạnh khác, liệu chúng ta chỉ cần đánh bóng hình ảnh của mình trên mạng xã hội là đủ? Câu trả lời là không. Cái chúng ta cần có là tài năng thật sự, là nhân cách con người thực có của bạn ngoài đời thực. Hãy rèn luyện để có điều ấy trước khi chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Mạng xã hội là phương tiện truyền tải, không phải là tất cả.
Quả thực vậy, đừng để giữa thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội và cái tôi đời thực là một khoảng cách xa vời, và luôn nhớ những gì hào nhoáng, dễ có thì cũng dễ mất. Chỉ có giá trị nhân bản, cốt lõi mới tồn tại lâu bền.
Nói như nhà báo Tom Peters, chúng ta đều là những CEO của "công ty Tôi". Là CEO giỏi phải biết quảng bá thương hiệu của mình, nhưng trước khi quảng bá, hãy xây dựng một “công ty Tôi” thực sự có giá trị.
Tác giả: Khánh Như
Nguồn tin: Báo Dân trí