Tôi và nó lớn lên cùng nhau, bằng tuổi nhau, nên hay đi cùng nhau. Nó sinh sau tôi mấy tháng, nhưng rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Hồi nhỏ chị tôi hay nói: "Thằng Minh, nó thông minh hơn mày, mới mấy tháng là biết con cò bay trên trời, còn mày chỉ biết con kiến bò dưới đất".
Ảnh minh họa |
Cấp 1, Minh luôn là học sinh giỏi, còn tôi cố gắng lắm cũng chỉ học sinh tiên tiến. Dù ganh tỵ, nhưng tôi không ghét nó. Rồi vào năm cuối cấp 1, trong lúc nó đi lãnh thưởng ở trường, trên đường về nhà thì hay tin ba nó mất. Tôi nhớ hôm đó, nó chở tôi trên còn đường làng đầy đất và gió, mọi khi sức gió cản khó mà chạy nhanh được, nhưng hôm đó nó đạp xe như vũ bão và im lặng không nói với tôi một lời.
Lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Bình thường nó đã rất mạnh mẽ, nhưng từ khi ba nó mất đi nó trở nên gai góc và gan lì hơn trước rất nhiều. Thương nó, tôi cũng chỉ biết khuyên nó cố gắng học hành…
Chúng tôi học chung từ cấp mẫu giáo cho đến hết cấp 3, mọi chuyện buồn vui đều kể nhau nghe. Thời ấy, chúng tôi không biết gì về máy tính, ti vi, búp bê, điện thoại, lúc đó tôi với nó chỉ biết nhảy dây, bắn bi, lò cò, trốn tìm... Ôi tuổi thơ của tôi với nó trong sáng, ngây thơ và đúng chất con nít.
Lên cấp 2, tôi lại là học sinh giỏi, cái cảm giác hạnh phúc, sung sướng khi được xướng tên lên nhận phần thưởng, còn nó bây giờ chỉ là học sinh khá. Tôi vui lắm, và cứ cười thầm trong bụng: "Thế là tao hơn mày rồi nhé". Hôm đó, như thường lệ nó lại chở tôi về nhà trong những cơm mưa xối xả của tiết tháng 10. Tự nhiên thấy lòng nặng trĩu, hối hận vô cùng vì suy nghĩ ấu trĩ, hơn thua. Nhìn nó cố sức rướn, để vượt qua con dốc dài và cao, bỗng dưng tôi thấy thương nó vô cùng…
Lên cấp 3, cả tôi và nó sức học đều xuống cấp trầm trọng, nhưng dù sao tôi vẫn nhỉnh hơn nó xíu, vì ngoài việc học ở trường, mỗi buổi sáng sớm, hoặc chiều tối nó còn phải ra đồng hoặc phụ việc với mẹ nó. Trước đây, còn ba nó cuộc sống gia đình nó sung sướng bao nhiêu, khi ba nó mất rồi gia đình nó lại lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau bấy nhiêu.
Lúc đó tình bạn của chúng tôi thân thiết, gắn bó hơn, không còn những cái giận hờn, hoặc trách móc vu vơ nữa, những hôm tôi thấy nó trộm nhìn tôi, khi tôi thấy nó liền quay đi và đỏ mặt.
Chúng tôi vẫn vậy, đi đi, về về trên con đường làng, nhiều khi đi cả 1 đoạn đường, nhưng không ai nói với nhau 1 câu nào. Lên cấp 3, đoạn đường đi học lại càng xa hơn, nhiều lúc tôi thấy áo nó ướt đẫm mồ hôi, nói không ra hơi, nhưng vẫn cố sức đạp, đôi khi còn kể chuyện tiếu lâm cho tôi cười… Đôi lúc, tôi mãn nguyện, sung sướng gào to trong lòng, nhưng không nghĩ đó là tình yêu...
Ảnh minh họa |
Đi học chung, chơi chung, gần nhà, quen biết nhau gần 20 năm chúng tôi vẫn không thể nào thân thiết hơn. Có 1 khoảng cách vô hình giữa chúng tôi. Tôi và nó đều biết nhưng không nói ra, mọi chuyện vẫn tiếp diễn theo cái quy luật tự nhiên của nó.
Tốt nghiệp, tôi cũng như bao bạn bè khác lo ôn thi đại học. Còn nó, tạm dẹp ước mơ để đi làm lo cho má và em nó.
Ngày nó biết tôi đậu đại học, thì khoảng cách giữa tôi và nó ngày càng xa hơn. Cuộc sống bon chen, xô đẩy nơi đất khách quê người làm cho chúng tôi không còn như trước.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên, tôi dẫn bạn trai về quê chơi, trông thấy tôi nó buồn ra mặt và rồi lặng im không nói gì và ra về. Không hiểu sao tôi thương nó vô cùng, nhưng tôi biết rằng, đó là tình thương của những người bạn nối khố giành cho nhau, chứ không phải là tình yêu trai gái.
Tôi thương nó vì những gì nó trải qua, những tổn thương những đau khổ mà nó gánh chịu.
Đến bây giờ, khi tôi đã có gia đình, còn nó thì mới bắt đầu có người yêu, nghe đâu nó sẽ làm đám cưới vào cuối năm này. Tôi mong nó có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, và an vui vì cuộc đời nó đã khổ quá nhiều rồi.
Đôi khi, nhìn vào mắt nó, tôi biết nó không oán ghét gì tôi nhưng nó buồn vì tôi không hiểu nó. Lúc ấy, giá như nó nói sớm hơn, biết đâu mọi thứ lại khác. Lúc này, tôi không biết định nghĩa quan hệ của tôi với nó là gì nữa, tri kỷ, bạn thân, thanh mai trúc mã hay là gì nữa…
Nhưng dù là gì, giữa tôi và nó vẫn từng và đang có một tình bạn rất vĩ đại, trong sáng...
Tác giả: Ngọc Hân
Nguồn tin: Báo Người lao động