Giới trẻ

Bạn muốn làm "Thượng đế"? Tôi bênh chị Thảo "Bún chửi"

Đây là ý kiến của một người Hà Nội gốc, tác giả lý giải tại sao lại có "Bà Bún Chửi" và tại sao "Thượng đế" lại bị chửi?

Bún chửi” phố cổ xuất hiện trên truyền hình Mỹ: "Tôi chỉ thấy xấu hổ"
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tự hào gì khi bún chửi Hà Nội lên CNN?
​​​​​​​

Bạn đòi hỏi quán lề đường phải như phòng máy lạnh?

Nếu bạn là chủ một quán treo biển "Bánh Mì" nho nhỏ với pate, xá xíu và xúc xích, một khách hàng tiến lại yêu cầu: "Cho em một bánh bao 2 trứng cút và sữa đậu nành".

Khi bạn có một quán phở nhỏ đề biển "Phở Bò", vào một buổi sáng, một người khách tấp xe: "Cho tôi một tô gà đùi thêm 2 trứng".

Vào ngày đẹp trời nhất, một chị văn phòng ghé quán đề tên "Xôi Mặn" của bạn ngay góc ngã tư và yêu cầu: "Lấy cho mình 2 phần bún thịt nướng mang đi không lấy ớt tươi".

Bạn sẽ làm gì?

Ngày thứ nhất, có thể bạn nghĩ: "Chắc họ vội nên đọc nhầm", qua ngày thứ hai, bạn vẫn nghĩ: "Có thể họ không biết chữ chăng?".

Nhưng, đến ngày thứ 3 mà khuôn mặt ấy vẫn xuất hiện với những yêu cầu trên, chắc chắn cái thứ chứa trong bộ não xinh xắn của các bạn phải tính đến một lý do khác rồi.

Tạm dừng 1 phút nhé, hỡi các bạn "Cộng đồng mạng" của tôi.

Nhiều người vào quán phở bò lại cứ gọi phở gà. (Ảnh minh họa)

Mấy ngày nay, trên các diễn đàn, báo điện tử, mạng xã hội cụm từ "Văn hóa bán hàng" xuất hiện rất nhiều.

Người tức giận có, kẻ châm chọc cũng có, lại còn những bạn kêu gọi tẩy chay một ai đó cũng nhiều. Đúng thôi, khi một sự việc xảy ra có những ý kiến trái chiều là điều tất yếu. Nó cũng có những mặt tích cực riêng.

Nhưng đa phần bây giờ, mọi việc đều theo xu hướng "Hiệu ứng đám đông". Ngưòi ta chê mà mình không chê thì lại thành lỗi mốt, mà phần lớn bây giờ khi một sự kiện xảy ra, chửi đã, đúng sai tính sau.

Ít ai biết rằng, chị Thảo này, mà mọi người sống lâu năm tại Hà Nội hay gọi là Thảo Bún Chửi, là một con người rất ngay thẳng, chị tự nhận thế, không chối cãi.

Rất nhiều bạn trẻ bây giờ cũng hay tự nhận mình là "Người thẳng thắn", nhưng họ lại sẵn sàng luồn cúi trước sếp của mình, ít khi dám phát biểu những điều suy nghĩ trong đầu, âu cũng chỉ phục vụ cho vấn đề mưu sinh.

Và khi không được thỏa mãn cái "Tôi" thẳng thắn ấy, họ bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên và đương nhiên phải tìm chỗ để trút giận.

Không lựa chọn nào thích hợp hơn là một người bán hàng sẵn sàng coi mình là "Thượng đế", nhưng khôi hài thay, họ đã chọn nhầm, sai lầm của họ khi muốn làm Thượng đế khi bước chân vào quán bún lề đường của chị Thảo.

"Nhập gia thì tùy tục", các bạn phải chấp nhận khi mua một gùi khoai tại nương mà người bán là một người đồng bào chân chất: "Mày trả tiền ít tao không bán cho mày, mày đi chỗ khác mà mua".

Bạn cũng không thể áp đặt văn hóa người Kinh vào một tộc người thiểu số. Hãy khoan, đừng thốt lên "Nhưng đây là văn hóa Tràng An, văn hóa Hà Nội". Hà Nội cũng có những mảng văn hóa đặc trưng, những tầng lớp người đặc trưng làm những công việc riêng của mình.

Không thể đòi hỏi kiểu cách nhà hàng được áp dụng cho một quán ăn ngay ngã tư phố. Cam đoan các bạn miền nam không bao giờ thốt lên "Quán cơm tấm ngã tư sao lại khói và nóng, lần trước đi ăn ở Cơm Tấm Cali mát cơ mà".

Đấy chính là vấn đề đấy!

Không ai muốn chửi, trừ khi họ bị kích động

Trở lại với quán bún gây tranh cãi, nếu bạn tới, hãy ngồi vào bàn, quán đông nên bạn sẽ phải đợi, họ sẽ phục vụ bạn một cách tốt nhất.

Đừng la ó đòi chen ngang, đừng hạch sách sao bẩn thế khi bạn vừa ném miếng giấy ăn vừa lau đũa xuống nền nhà.

Thứ nhất bạn sẽ không bị chửi, thứ nhì sẽ tránh cho người bàn bên không phải nghe những lời người khác chửi bạn.

Không ai muốn chửi, trừ khi họ bị kích động bởi chính bạn và những người xung quanh.

Lại có những trường hợp, cố tình đến, hạch sách, yêu cầu, đòi được phục vụ trước dù là người đến sau. Để làm gì? Để nghe chửi, không ít đâu, sau đó sẽ quay video, tung clip với lời bình:"Văn hóa là đây bà con ơi". Thật nực cười.

Trở lại, tại sao lại tôi lại đặt ba trường hợp lúc đầu để hỏi bạn sẽ trả lời ra sao.


Chuyện về người chủ quán "Bún chửi" nổi tiếng Hà Nội đang là đề tài gây tranh cãi nhiều ngày nay trên mạng xã hội.

Vì, trước hết, hãy đặt mình vào vị trí của họ, hãy thử tưởng tượng bạn dậy từ 4h sáng, nhóm bếp, quạt lò, dọn hàng để 5h sáng đã sẵn sàng phục vụ cho các "Thượng đế" đến 6h chiều và có hàng loạt những Thượng đế tới đây chỉ để trêu tức bạn?

Các bạn yêu cầu một "Văn hóa bán hàng", sao các bạn lại không là một "Thượng đế có văn hóa" trước vậy? Hay bạn nghĩ "Người có tiền muốn gì được nấy"?

Xin lỗi các bạn nhé, người Hà Nội chúng tôi sẽ phản bác các bạn đầu tiên, nếu có tiền mà không có hành xử như những người có học thức, các bạn không hề được chào đón tại đây.

Chúng tôi là vậy, nghìn năm nay vẫn vậy, sẽ hào hoa, thanh lịch với những người trân trọng chúng tôi dù chúng tôi chỉ là quán ven đường.

Còn không, xin nhắc lại lời chị Thảo Bún: "Get away from here. Go...".


Hãy là một người khách hàng có văn hóa trước đã bạn nhé!

* Bài thể hiện quan điểm của tác giả

Tác giả bài viết: Ngọc Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP