Số hóa

Ban hành Thông tư về chuyển mạng giữ số trong quý 4

Thông tư hướng dẫn về việc chuyển mạng giữ nguyên số điện thoại di động là một trong ba văn bản quan trọng mà Cục Viễn thông xác định "bắt buộc phải hoàn thiện trước cuối năm 2016".

Thông tin này được Cục Viễn thông chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của cơ quan này diễn ra sáng nay, 6/7, theo đó, Thông tư này dự kiến sẽ được hoàn thiện và ban hành "trong quý 4".

Sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn việc chuyển mạng giữ nguyên số trong Q4


Trước đó, Bộ TT&TT đã công bố lộ trình mới của Đề án Chuyển mạng giữ nguyên số vào ngày 25/5 vừa qua, nêu rõ dịch vụ chuyển mạng thông tin di động, giữ nguyên số thuê bao sẽ hoàn thành thời gian thử nghiệm trước ngày 30/6/2017 và cung cấp dịch vụ chính thức trước ngày 31/12/2017. Thời gian kết nối thử nghiệm dịch vụ kéo dài ít nhất 6 tháng. So với lộ trình cũ của Quyết định số 1178/BTTTT thì thời điểm triển khai Đề án được hoãn lại một năm cho phù hợp hơn với tình hình thực tế và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp viễn thông (mốc cũ là 30/6/2016 đối với hoàn thành thử nghiệm và 1/1/2017 đối với cung cấp dịch vụ chính thức).

Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ cho phép thuê bao đang ở mạng này chuyển sang mạng khác mà vẫn giữ được nguyên số điện thoại đang dùng. Đây là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ nên đã được nhiều nước trên thế giới triển khai và cũng là một trong những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định TPP.

Nếu hoàn thành và ban hành trong quý IV thì thông tư hướng dẫn triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ có thể triển khai từ đầu năm 2017, đảm bảo tiến độ cho lộ trình mới.

Siết cơ chế khuyến mại

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng của Cục Viễn thông thì cơ quan này đang nghiên cứu khá nhiều giải pháp để tăng cường quản lý thuê bao trả trước cũng như cơ chế khuyến mại của các nhà mạng, đảm bảo cho thị trường viễn thông phát triển bền vững, lành mạnh.

Chẳng hạn như với đề án chuyển mạng giữ nguyên số, Cục dự kiến sẽ chỉ áp dụng dịch vụ cho những thuê bao nào đăng ký sử dụng bằng danh tính thật. Tương tự, Cục cũng dự kiến trình Bộ TT&TT những giải pháp khuyến mại khuyến khích người dùng tự nguyện chuyển đổi từ hình thức thuê bao trả trước sang trả sau, từ đó xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người dùng, hay tập trung phối hợp cùng các Sở TT&TT địa phương để tăng cường quản lý thuê bao trả trước, SIM rác và hạ tầng viễn thông thụ động.

Toàn cảnh Hội nghị


"Cục cũng đang nghiên cứu cơ chế ngăn không cho doanh nghiệp viễn thông khuyến mãi tràn lan, hay khuyến mại để bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh với các đối thủ. Làm thế nào để khuyến khích nhà mạng sử dụng công cụ khuyến mãi phân tích khách hàng một cách chính xác, ưu tiên thuê bao trả sau, dài hạn hơn so với thuê bao trả trước", đại diện Cục nhấn mạnh.

Giám sát nhà mạng công bố vùng phủ sóng

Một hoạt động nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2016, theo Cục Viễn thông, là đã yêu cầu được các doanh nghiệp viễn thông phải công bố công khai vùng phủ sóng 3G của mình. Việc công bố vùng phục vụ này phải tiến hành trước ngày 24/6 vừa qua.

Trước đó, tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 5/2016 của Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung từng khẳng định, thông tin về vùng phủ sẽ là sở cứ để người dân biết được vùng phủ, chất lượng phục vụ, bán kính phục vụ của dịch vụ 3G của các doanh nghiệp; cũng như là sở cứ để cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát hiệu quả. "Cục cũng yêu cầu doanh nghiệp công bố vùng phục vụ đối với dịch vụ thoại, song 3G vẫn cần tập trung hơn", ông Trung nói.

Hiện tại thì chất lượng 3G tại Việt Nam vẫn bị phàn nàn là không đồng đều, nhiều nơi rất khó truy cập, hoặc tốc độ rất chậm. Một số khu vực nông thôn có tín hiệu sóng 3G rất phập phù.

Thậm chí theo số liệu thống kê của một đơn vị độc lập là trang Netindex cách đây hơn một năm thì tốc độ truy xuất 3G trung bình tại Việt Nam chỉ ở mức 1,66 Mbps, xếp vị trí áp chót trên tổng số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.

Tuy nhiên, bên cạnh việc yêu cầu nhà mạng công bố vùng phủ sóng thì Cục Viễn thông cũng sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với những công bố liên quan đến chất lượng, vùng phủ kiểu này để đảm bảo thông tin do nhà mạng đưa ra là chính xác, minh bạch.

Tác giả bài viết: Trọng Cầm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP