Kinh tế

Bán giấy đế, vàng mã, công ty ở Yên Bái thu hơn 32 tỷ đồng một tháng

Cùng với mảng sản xuất tinh bột sắn, doanh thu từ giấy đế (giấy làm vàng mã) và vàng mã xuất khẩu chiếm phần lớn tổng doanh thu của Công ty Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái.

Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái - CAP vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2018 với kết quả kinh doanh tăng trưởng ở tất cả mảng sản xuất.

Cụ thể, trong quý IV/2018, nhờ việc tăng mạnh xuất khẩu giấy đế (loại giấy để sản xuất vàng mã) và sản phẩm vàng mã làm sẵn, công ty đã ghi nhận gần 78 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ.

Doanh thu tăng, nhưng hàng loạt chi phí liên quan như giá vốn; chi phí tài chính, bán hàng, cùng chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khiến công ty chỉ thu về hơn 1,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

So với cùng kỳ, số tiền lãi trước thuế công ty thu về kỳ này chỉ chưa tới 1/3 năm trước.

Tuy nhiên, nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ mức 6,3 tỷ đồng năm trước xuống chưa tới 400 triệu đồng năm nay, doanh nghiệp này vẫn thu về khoản lợi nhuận sau thuế 819 triệu đồng, thay vì mức lỗ âm gần 2 tỷ đồng cùng kỳ.

Theo ban lãnh đạo công ty, ngoài việc doanh thu bán hàng tăng thì nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương do không còn phát sinh chi phí đột biến như năm trước.

Tính cả năm 2018, LNS Thực phẩm Yên Bái đạt 389 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế mang về cũng tăng gần gấp 3, đạt 34 tỷ đồng.

Bình quân, mỗi tháng trong năm 2018, doanh nghiệp này thu về hơn 32 tỷ đồng doanh thu từ bán các mặt hàng này. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất của công ty kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 1972 đến nay.

Trong cơ cấu doanh thu, cả 3 sản phẩm chính là tinh bột sắn, giấy đế và vàng mã đều tăng mạnh. Trong đó, doanh thu tinh bột sắn đạt 173 tỷ đồng, tăng 120%; doanh thu giấy đế đạt 120 tỷ đồng (tăng 20%) và doanh thu từ vàng mã tăng gần 13%, đạt 79 tỷ đồng.

Như vậy, gộp cả doanh thu từ giấy đề và vàng mã (cả nội địa và xuất khẩu), mảng kinh doanh này vẫn chiếm trên 50% tổng doanh thu. Những năm trước đó, hai sản phẩm này vẫn đều đặn đóng góp 40-50% tổng doanh thu cho công ty…

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này của LNS Thực phẩm Yên Bái là giá trị tài sản cố định hữu hình bao gồm hệ thống nhà máy, xưởng sản xuất, máy móc… của công ty đã bị hao mòn gần hết giá trị.

Hiện giá trị tài sản cố định hữu hình còn lại chỉ là gần 24 tỷ đồng, trên tổng số 170 tỷ đồng giá trị tài sản nguyên giá.

Trong thời gian tới, việc đầu tư mới các tài sản cố định để tiếp tục duy trì sản xuất sẽ là bài toán kinh tế với công ty. Bởi bản chất của LNS Thực phẩm Yên Bái là một doanh nghiệp sản xuất và tài sản quan trọng nhất chính là máy móc và nhà xưởng.

Trong khi đó, do thường xuyên chia cổ tức nên khoản lợi nhuận sau thuế giữ lại của công ty đến cuối kỳ trước chỉ còn lại hơn 2,2 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh giấy đế, vàng mã rất tiềm năng với thị trường nhiều lễ hội, nghi lễ như Việt Nam nhưng phần lớn vẫn nằm trong tay các hộ gia đình. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp.

Công ty cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái, được thành lập vào năm 1972. Đến năm 1994, công ty thành lập lại và đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, công ty niêm yết hơn 4,7 triệu cổ phiếu (tương đương 47,6 tỷ đồng vốn điều lệ) trên sàn chứng khoán từ năm 2008.

Tuy thị trường vàng mã trong nước khá sôi động với một thị trường nhiều lễ hội như Việt Nam, toàn bộ sản phẩm vàng mã của Thực phẩm Yên Bái hiện đều được xuất khẩu để phục vụ thị trường Đài Loan. Nguyên nhân được ban lãnh đạo công ty giải thích do đặc điểm, mẫu mã chất giấy vàng mã tại Đài Loan khác với Việt Nam nên các sản phẩm này không thể tiêu thụ được trong nước.

Tuy nhiên, các sản phẩm giấy đế dùng để làm vàng mã vẫn được công ty cung cấp cho thị trường trong nước.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: doanh thu , yên bái , công ty

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP