Ngoài những dự án lớn, vẫn còn hàng trăm khu đất, căn nhà xây dựng trái phép trên Sơn Trà. Ảnh: THANH HẢI |
Sơn Trà là độc nhất, nên để nguyên
Đó là ý kiến của GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính. Theo KTS Hoàng Đạo Kính, với hơn 1.200km2 diện tích, TP.Đà Nẵng đã sở hữu tất cả các yếu tố đặc sắc về tài nguyên thiên nhiên mà không địa phương nào trên cả nước có được. Cái độc đáo riêng có của tài nguyên thiên nhiên ở Đà Nẵng là có đủ các yếu tố cấu thành như biển, vịnh, bán đảo, cù lao, sông ngòi, đồi núi, có cả đồng bằng, làng quê và đô thị hiện đại. Chính tài nguyên đặc sắc đó là xuất phát điểm, là động lực để phát triển Đà Nẵng nói chung, trong đó có du lịch. Tài nguyên về phát triển du lịch sinh thái của Đà Nẵng vẫn là tiềm năng có thể nói là hơn hẳn nhiều địa phương khác. Chính vì vậy, Đà Nẵng không nên chỉ nhìn chằm chằm vào khu vực bờ biển mà còn rất nhiều nơi, vị trí đặc sắc để làm du lịch sinh thái.
Cho tới thời điểm này, có thể nói là Đà Nẵng đã quá vội vàng trong quy hoạch, phát triển vùng biển dọc Mỹ Khê lẫn vịnh Đà Nẵng. Quy hoạch kiến trúc xây dựng khu vực biển đã tản mạn, lố nhố, phá nát cảnh quan bờ đông.
Đà Nẵng hiện chỉ còn mỗi Sơn Trà. Với giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, độc nhất vô nhị, Sơn Trà không chỉ là lá phổi, mà còn là thương hiệu nhận diện, là logo của TP.Đà Nẵng. Vì vậy nên tìm hiểu thật kỹ, thật thận trọng khi đụng vào hòn ngọc quý này. Quan điểm của tôi là Sơn Trà như một bức tranh, chỉ để ngắm nhìn mà không được trèo lên, bước vào. Đó là điểm nhấn trong bức tranh tổng thể kiến tạo nên Đà Nẵng, vì vậy, ngoài những dự án nào lỡ triển khai, còn lại nên rút khỏi Sơn Trà.
Khai thác, nhưng hài hoà với thiên nhiên
KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam - thì có quan điểm “thoáng” hơn. Báu vật Sơn Trà trở thành cơ hội phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng. Tuy nhiên, phải có giải pháp thông minh để vừa khai thác tốt tiềm năng du lịch, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối không xâm hại đến môi trường. Giải pháp không thiếu.
KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, cấp phép đầu tư cho các dự án làm du lịch để phát triển kinh tế xã hội là cần thiết. Việc này không ai và không ở đâu cấm cả. Nhất là đối với các dự án du lịch sinh thái thì cần được khuyến khích và ưu đãi. Tuy nhiên, không thể chấp nhận các dự án xâm hại thô bạo đến thiên nhiên, môi trường như cách làm của Cty CP biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà đang được dư luận quan tâm.
Nhiều nơi trên thế giới, và ngay cả ở Ninh Thuận, Nha Trang của Việt Nam, hiện đang có rất nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 đến 6 sao, giá ở đắt đỏ cả ngàn đô la một đêm, nhưng khi xây dựng, người ta có chặt bỏ cây xanh nào đâu? Ngay tại Sơn Trà, KS Intercontinental có đẳng cấp số 1 thế giới, là một trong những nơi đảm bảo lưu trú cho các nhà tài phiệt, các nguyên thủ quốc gia, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng để Đà Nẵng đảm bảo điều kiện đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC, cũng ẩn mình trong rừng nguyên sinh. Vì vậy, không thể chấp nhận dự án ủi trắng, xây dựng với mật độ dày đặc như Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa đang triển khai được. Kể cả việc dự án này được cấp phép đầy đủ các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật thì cũng cần phải đình chỉ, xem xét lại và buộc phải có giải pháp thi công thông minh hơn.
KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng nêu rõ quan điểm, tài nguyên thiên nhiên là tài sản của quốc gia, mọi người dân đều phải được thụ hưởng, phải tạo điều kiện cho nhiều người được thụ hưởng, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Nhưng khai thác kinh tế thì cũng nhằm mục đích phát triển, tôn vinh và góp phần bảo tồn tốt hơn tài nguyên thiên nhiên đó. Mặt khác, kinh nghiệm xây dựng các khu du lịch sinh thái nhưng hài hoà với cảnh quan, đảm bảo môi trường bền vững… ở Việt Nam không thiếu. Chỉ có làm ẩu, chụp giật thì mới xâm hại thô bạo đến rừng, huỷ hoại môi trường. Hiện có rất nhiều giải pháp thi công thông minh, kiến trúc thông minh, tạo ra những công trình xây dựng hài hoà với thiên nhiên và không ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh.
Đồng quan điểm này, nguyên Bí thư TP.Hội An - ông Nguyễn Sự - không phản đối việc cấp phép đầu tư các dự án du lịch trên Sơn Trà để phát triển kinh tế, nhưng không phải làm đại trà theo kiểu phân lô, bán nền. Nếu cách làm du lịch sinh thái như Bảo tàng Đùng Đình trên Sơn Trà thì không ai chống cả. Riêng đối với dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa thì không thể chấp nhận với giải pháp thi công lẫn mật độ xây dựng đồ sộ, dày đặc trên rừng như vậy được.
Việc chính quyền cấp sổ đỏ cho dự án với mục đích làm đất ở lâu dài là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Bởi nếu từ đất ở, thì chính quyền có thể cấp sổ, chuyển đổi sang mục đích đất sản xuất kinh doanh. Nhưng, mục đích giao đất ban đầu cho Cty CP biển Tiên Sa là cho thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh - đặc biệt là đất vừa chuyển đổi từ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nhưng giờ lại cấp sổ đỏ đất ở, mục đích sử dụng lâu dài là hoàn toàn sai. Cần phải rà soát những sai phạm tương tự ở các dự án đã cấp phép trên Sơn Trà để chấn chỉnh, đồng thời điều chỉnh ngay quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà mà Chính phủ đã phê duyệt là cần thiết.
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Lao Động