Tin địa phương

'Bám trụ' ở khu tập thể chờ sập, vì sao?

Được kết luận xuống cấp với chất lượng kiểm định còn lại dưới 40% từ nhiều năm trước, thế nhưng đến nay việc di dời người dân sinh sống tại các khu tập thể ở Đà Nẵng vẫn chưa xong.

Khu tập thể 37 Yên Bái nằm trong nhóm D, thuộc diện phải khẩn trương di dời.ẢNH: HOÀNG SƠN

Năm 2015, Thanh Niên đã có bài phản ánh về tình trạng người dân sinh sống trong các khu tập thể (KTT) xuống cấp nghiêm trọng, vừa nhếch nhác vừa nguy hiểm. Năm 2015, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã kết luận phương án xử lý các KTT xuống cấp trên địa bàn, cho giải tỏa, di dời 9 KTT với chất lượng kiểm định còn lại dưới 40%.

Thế nhưng, từ đó đến nay, mặc dù ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tích cực xử lý nhưng công tác di dời người dân vẫn chưa xong.

Hiện TP.Đà Nẵng có khoảng 40 KTT được tiếp quản, bố trí sử dụng trên 40 năm, chưa được nhà nước cải tạo, sửa chữa. Bên thuê tự cải tạo, sửa chữa chắp vá để duy trì nơi ăn ở nên chất lượng nhà ở ngày càng xuống cấp. Một số khu nhà xuống cấp trầm trọng, cần phải thực hiện di dời khẩn cấp…

Tình trạng cũ nát ở các khu tập thể hạng D.ẢNH: HOÀNG SƠN

Cuối năm 2019, Sở Xây dựng TP đã có văn bản tham mưu UBND TP ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án di dời giải tỏa các hộ đang ở tại các KTT xuống cấp trên địa bàn Q.Hải Châu và Q.Thanh Khê. Chính quyền 2 địa phương được giao chủ trì, phối hợp với Trung tâm Quản lý và khai thác nhà tổ chức triển khai thực hiện việc di dời, giải tỏa các hộ dân tại các KTT xuống cấp. Tính đến giữa tháng 9 năm nay, TP.Đà Nẵng đã di dời 39/172 hộ thuộc 25 KTT xuống cấp, trong đó có 29/51 hộ thuộc 8 KTT cấp D. Hơn 130 hộ dân khác vẫn đang tiếp tục “bám trụ”.

Điệp khúc “chậm tiến độ”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2015, UBND TP.Đà Nẵng có thông báo kết luận phương án xử lý các KTT xuống cấp trên địa bàn. Với các hộ hiện đang sử dụng ở, sẽ bố trí mỗi hộ 1 lô đất tái định cư theo diện hộ chính tại khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (đường 5,5m) và thu tiền sử dụng đất theo quy định, đồng thời hỗ trợ 60% tiền nhà, 60% tiền đất theo quy định và hỗ trợ phần tự làm thêm. Trong khi đó, theo quy định các hộ dân này không đủ điều kiện để bố trí 1 lô đất tái định cư, nên việc di dời giải tỏa các KTT xuống cấp rất khó khăn.

Di dời chậm gây bức xúc nhân dân

Tại phiên khai mạc kỳ họp 16 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 (ngày 7.12.2020), ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, đánh giá công tác di dời các hộ dân tại các khu chung cư, KTT xuống cấp vẫn còn lúng túng, bất cập.

Còn theo ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, qua theo dõi, đến nay nhận thấy việc khắc phục các chung cư nhà ở xã hội và KTT xuống cấp rất chậm, gây lo lắng bức xúc trong nhân dân, nhất là các KTT xuống cấp nghiêm trọng ở Q.Hải Châu, Q.Thanh Khê với thực trạng “tuổi thọ” lớn, diện tích chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp kém và mất an toàn.

Các chung cư tại P.Thuận Phước, KTT tổ 16 P.Hòa Cường Bắc và một số chung cư P.Hòa Minh được xây dựng trước năm 2000 đến nay đã hơn 20 năm, hiện xuống cấp nghiêm trọng; TP đã nhiều lần lấy ý kiến nhân dân và khảo sát thực trạng, nhưng vẫn chưa giải quyết.

Tiếp đó, vào năm 2019, trong phương án di dời giải tỏa các hộ đang ở tại các KTT xuống cấp tại Q.Hải Châu và Q.Thanh Khê được UBND TP phê duyệt, các hộ dân sẽ được bố trí chung cư. Trung tâm Quản lý và khai thác nhà đã bàn giao cho UBND Q.Hải Châu 65 căn hộ chung cư và UBND Q.Thanh Khê 35 căn hộ chung cư tại Chung cư 201 Đống Đa (Hải Châu) và Khu chung cư Phong Bắc (Cẩm Lệ). Tháng 8.2020, UBND TP đã cấp kinh phí bổ sung có mục tiêu năm 2020 cho ngân sách Q.Hải Châu và Q.Thanh Khê gần 18 tỉ đồng để hỗ trợ di dời, giải tỏa KTT xuống cấp.

Tình trạng cũ nát ở các khu tập thể hạng D. ẢNH: HOÀNG SƠN

Theo UBND TP.Đà Nẵng, trong năm 2020, các địa phương cần tập trung thực hiện giải tỏa, di dời các KTT cấp D. Các địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ dân đang ở tại các KTT xuống cấp và thực hiện giải tỏa, di dời các KTT xuống cấp được đánh giá nguy hiểm cấp độ B, C. Ngày 24.10.2020 vừa qua, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê khẩn trương xử lý vướng mắc trong di dời, giải tỏa các KTT xuống cấp theo đúng chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng.

Dù thời hạn xử lý vướng mắc được chính quyền TP.Đà Nẵng đưa ra là phải hoàn thành trong tháng 11.2020, nhưng trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết dù địa phương rất quyết liệt trong việc xử lý các KTT xuống cấp nhưng phía người dân có người ủng hộ, có người không cho nên “vẫn đang phải tiếp tục vận động”. Ông Nguyễn Minh Huy, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết thêm: với 22 hộ dân sinh sống trong các KTT cấp D, có 10 hộ chấp thuận di dời sau khi được địa phương vận động và đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Còn lại 12 hộ, nếu người dân đồng ý phương án nhận tiền sẽ tổng hợp để TP bố trí kinh phí, còn muốn nhận chung cư thì sẽ bố trí theo quy định.

Theo ông Huy, trong 12 hộ dân chưa chịu di dời, có 5 trường hợp trước đây UBND TP có chủ trương bố trí đất nhưng sau đó tạm dừng vì chủ trương này không đúng quy định. Quận đang chờ UBND TP hủy chủ trương và sau đó sẽ mời các hộ lên để nhận chung cư hoặc nhận tiền. “Trước mắt, phương án đảm bảo an toàn là khi mưa bão địa phương sẽ cho di dời người dân đến nơi an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trong những KTT này”, ông Huy nói.

8 khu tập thể phải “khẩn trương di dời”

Đến nay, TP.Đà Nẵng đã thực hiện kiểm định 25 KTT có dấu hiệu xuống cấp. Bao gồm: 1 khu cấp B (KTT số 25 Hùng Vương); 16 khu cấp C (22 Lý Thái Tổ, 48 Lý Thái Tổ, 104 Lý Thái Tổ, 110 Lý Thái Tổ, 42 Trần Kế Xương, 03 Nguyễn Thái Học, 28-30 Hùng Vương, 57 Hùng Vương, 324 Hùng Vương, 158B Lê Lợi, 35 Hoàng Diệu, 09 Trần Phú, 67 Trần Phú, 76 Trần Phú, 346-348 Phan Châu Trinh, 110 Ông Ích Khiêm); 8 khu cấp D (10 Trần Bình Trọng, K30 Bạch Đằng, 50- 52 Lê Lai, 87 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 5 Nguyễn Thái Học, 37 Yên Bái, K340 Phan Châu Trinh). UBND TP.Đà Nẵng đã có chủ trương thu hồi, giải tỏa 25 KTT này với tổng cộng 172 hộ dân, trong đó “khẩn trương di dời” đối với 8 KTT cấp D.

Đáng chú ý, theo Tiêu chuẩn VN TCVN 9381:2012 (hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà), cấp B, C và D được gọi là mức độ nguy hiểm.

Ngoài ra, tại TP.Đà Nẵng, thống kê có khoảng 60 khu chung cư (KCC), trong đó 3 KCC có dấu hiệu xuống cấp (Thuận Phước, Hòa Minh, Lâm đặc sản Hòa Cường) ở mức độ nguy hiểm cấp B theo kết quả kiểm định năm 2015. Ba KCC này được cải tạo, sửa chữa với kinh phí khoảng 9,2 tỉ đồng từ năm 2016-2017 và cho phép tiếp tục khai thác sử dụng đến hết năm 2021. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng thống nhất phương án quy hoạch xây dựng KCC Hòa Minh; rà soát, đề xuất phương án quy hoạch xây dựng KCC thay thế cho KCC Thuận Phước, Lâm đặc sản Hòa Cường.

Tác giả: Hoàng sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP