Xã hội

Bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ: Ai là 'trùm cuối' nhận tiền từ thiện?

Trong câu chuyện đẫm nước mắt được thêu dệt trên mạng xã hội liên quan "bác sĩ Khoa", nhiều người phát hiện một nhân vật đứng ra nhận tiền từ thiện.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra sáng 10/8, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM cho biết, ngày 9/8, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin này và xử phạt vì chia sẻ thông tin sai sự thật.

Ông Thọ cho biết thêm, bước đầu Sở nhận định nhóm này được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng có tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và "sống thực" trên mạng.

"Bước đầu đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TTTT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM", ông Thọ nói.

Tin giả được chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Có người nhận tiền từ thiện liên quan vụ “bác sĩ Khoa”?

Sau khi Sở TTTT TP.HCM ra quyết định xử phạt các cá nhân đăng tin giả liên quan câu chuyện "bác sĩ Khoa" tự tay rút ống thở của mẹ mắc COVID-19 nặng, để cứu sản phụ sinh đôi, mạng xã hội Facebook bắt đầu lan truyền thông tin về các tài khoản Facebook ảo liên quan “bác sĩ Khoa” và một nhóm tên “nhà 82”.

Trong đó nổi lên một nhân vật tên N.T.M.T. - người được cho là đứng ra nhận tiền từ thiện sau các câu chuyện đẫm nước mắt trên Facebook.

Tài khoản Facebook H.M.A.Đ. đã từng chuyển tiền cho T. làm từ thiện.

Một tài khoản Facebook có tên H.M.A.Đ. khẳng định bản thân sống chung nhà với người tên T., T. lại có mối quan hệ mật thiết với “bác sĩ Khoa” và các thành viên trong nhóm “nhà 82”.

Đ. viết trên Facebook cá nhân: “Vì T. ở cùng nhà với mình nên mình cũng kết bạn với các bạn của T. trong đó có "nhóm 82". "Nhóm 82" theo lời T. nói là một nhóm bác sĩ ở chung một nhà tại địa chỉ 82 (mình không biết đường) thuộc phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức”.

Đ. cũng cho biết, ngày 8/3/2021, Đ. từng chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản T. với mục đích làm từ thiện.

Cũng trong bài đăng trên Facebook cá nhân, Đ. cho hay hiện không ở TP.HCM mà ở nhà tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Tuy nhiên, trả lời VTC News, một lãnh đạo Công an huyện Xuân Lộc nói "hiện đơn vị cũng chưa nắm được thông tin về H.M.A.Đ. liên quan tới vụ việc bác sĩ Khoa".

Đã “gom tiền” từ thiện từ năm 2019?

Theo ghi nhận của PV VTC News, Hiện tài khoản Facebook của T. đã khoá, người này chuyên “gom tiền” từ thiện liên quan đến nhóm “bác sĩ Khoa” và “nhà 82” với số tài khoản ngân hàng 015704070021954.

Từ năm 2019, đã xuất hiện nhóm người dùng nhiều tài khoản Facebook khác nhau chuyên đi “cầu cứu” cư dân mạng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của T.

Từ năm 2019, N.T.M.T. đã "gom tiền" từ thiện với hình thức kêu gọi cư dân mạng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bị bệnh ung thư.

Cụ thể, ngày 17/10/2019, tài khoản Facebook tên Dương Bảo Ngân đứng ra kêu gọi cư dân mạng giúp đỡ hoàn cảnh em Nguyễn Thị Bích Trâm (học sinh lớp 10, trường THPT Phan Văn Trị, huyện Giồng Trôm).

Theo tài khoản Facebook này chia sẻ, em Trâm bị ung thư tuyến giáp phải điều trị lâu dài. Do hoàn cảnh em Trâm khó khăn nên nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ với hình thức chuyển tiền vào tài khoản của T., số tài khoản ngân hàng 015704070021954.

Từng giúp đỡ T. làm từ thiện, chị Thương (quê Bến Tre) cho biết, thông qua lời kể của T. được biết người này chuyên đi làm từ thiện, kêu gọi giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn nên đã nhiều lần gửi tiền.

“Có khi gửi 20 triệu đồng, có khi là 3 triệu, 2 triệu, mỗi lần T. cần giúp đỡ là tôi kêu nhân viên của mình mang tiền mặt qua. Tới bây giờ tôi vẫn không nghĩ bị T. lừa. Tôi gặp T. một lần và nghe T. kể về nhiều hoàn cảnh khó khăn nên đã đưa tiền cho T. giúp đỡ họ. Tôi cứ nghĩ trên đời này có đứa sống vì người khác như T. thì sao mình lại không giúp T. chứ”, chị Thương nói.

Để tạo lòng tin với mạnh thường quân, N.T.M.T. đã chia sẻ giấy ra viện trên Facebook nhằm kêu gọi quyên góp tiền vào tài khoản cá nhân.

Trước đó, tối 7/8, vụ việc trên được đăng tải trên tên trang cá nhân Trần Khoa và một số tài khoản khác được cho là bạn bè của người này với nội dung, bác sĩ Khoa đang chăm sóc bố và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng sắp sinh đôi.

Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, bố mẹ của Khoa cũng làm trong ngành y nhưng đã về hưu. Hai cụ tham gia công tác phòng chống dịch, rồi không may mắc COVID-19 và trở nặng, được đưa vào bệnh viện nơi Khoa công tác để điều trị.

Sau thời gian điều trị bố Khoa mất, mẹ Khoa tiên lượng không qua khỏi, nên người này tự tay rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ sắp sinh. Sau đó, chính Khoa là người "nén đau thương" đi mổ bắt con giúp mẹ con sản phụ vượt qua cửa tử. Câu chuyện lập tức được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều bình luận tiếc thương, xót xa. Tuy nhiên, sau đó cư dân mạng cũng chỉ ra nhiều chi tiết vô lý trong câu chuyện trên.

Liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Tuỳ vào số tiền chiếm đoạt và các tình tiết như “có tổ chức” hay không, những người liên quan sẽ bị truy cứu theo khung hình phạt tương ứng theo Điều 174 BLHS hiện hành. Khung hình phạt thấp nhất là “bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Khung hình phạt cao nhất là “bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên…

"Những vụ việc này cần điều tra, làm rõ để làm sáng tỏ câu chuyện cũng như xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Từ đó, làm minh bạch với thông tin tiêu cực về lợi dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi", luật sư Nguyễn Đức Chánh cho hay.

Tác giả: Khuất Nguyên

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP