Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm tờ trình xin ý kiến Chính phủ về việc ban hành nghị định tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77 (giai đoạn 2014-2017) đã hết thời gian áp dụng và thí điểm ba trường trực thuộc Bộ bỏ bộ chủ quản.
Ba đại học gồm Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội và Kinh tế TP HCM được yêu cầu lập đề án bỏ cơ quan chủ quản Bộ Giáo dục. Đây là ba trong số 23 cơ sở giáo dục đại học đã thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ; có hội đồng trường hoạt động hiệu quả; đã được kiểm định chất lượng giáo dục.
"Chủ trương xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản và tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học công lập là phù hợp với nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ", đại diện Bộ Giáo dục nói.
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong ba trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất "bỏ" bộ chủ quản. Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Tại những nước phát triển, tự chủ đại học được coi là thuộc tính, quyền tự nhiên của các trường. Ở Việt Nam, mô hình đại học tự chủ được bắt đầu với sự thành lập của Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 1993) và Đại học Quốc gia TP HCM (năm 1995). Hiện hai trường này hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản.
Trong 23 đại học công lập được giao thí điểm tự chủ, Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội là trường đầu tiên không có cơ quan chủ quản.
Cơ chế không có cơ quan chủ quản, theo giải thích của Bộ Giáo dục, là chuyển thẩm quyền quyết định các vấn đề về quản lý, điều hành trường đại học của cơ quan chủ quản cho Hội đồng trường, trừ việc thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường. Theo đó, các đại học không có Bộ chủ quản sẽ tự chủ và tự chịu trách nhiệm các vấn đề về tổ chức bộ máy, nhân sự; đào tạo; hợp tác quốc tế; tài chính...
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress