Giáo dục

'Bà ngoại đi được xe máy, sao cô giáo bảo sai?'

Câu chuyện giáo dục đúc khuôn không đơn giản chỉ là giam hãm môi trường sáng tạo của học sinh, theo bạn đọc Cao Văn Long nó còn đang hình thành việc nói dối, viết sai để được điểm cao.

Thắc mắc của một học sinh học lớp 4: 'Bà ngoại đi được xe máy, sao cô giáo bảo sai?', ít nhiều khiến cho những ai quan tâm đến môi trường giáo dục cần phải suy nghĩ.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.

"Đọc bài "Mơ ước của một bà mẹ thời robot học đường", tôi cảm thấy không đơn giản chỉ là chuyện các em đang phải học bó khuôn, giam hãm trong môi trường sáng tạo bó hẹp.

Văn chương phải bắt nguồn từ thực tế. Yêu cầu trẻ miêu tả hình ảnh một người bà khác hẳn với thực tế cốt để được điểm cao, chúng ta được gì? Các con được gì? Phải chăng chúng ta đang nuôi dưỡng, cổ súy cho lối suy nghĩ dối trá?"

Lớn hơn, các em đang hình thành việc nói dối, viết sai để được điểm cao. Điều này, không phải ai cũng nhận ra sớm để điều chỉnh và định hướng lại "phông nền" cho con.

B. - Cháu tôi vừa học xong lớp 4 tại một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trong một bài văn tả về Bà Ngoại, cháu đã bị cô giáo phê là "lạc đề".

Điều này khiến B. khóc rất nhiều. Có một câu hỏi của cháu khiến tôi rất day dứt: "Tại sao con miêu tả đúng về bà mà cô giáo vẫn bảo là lạc đề hả chú Long?". Tôi chẳng thể trả lời được câu hỏi của cháu.

Chuyện là cháu miêu tả rằng bà ngoại khỏe mạnh, đi được xe máy… Nhưng cô giáo lại yêu cầu cháu phải miêu tả bà "tóc bạc, mắt kém, xâu kim khó khăn, đi lại vất vả, ăn uống vụng về…".

"Rõ ràng bà ngoại con đâu có phải chống gậy, đi lại đâu có khó khăn, tóc đâu có bạc? Tại sao cô giáo cứ bắt con phải miêu tả như thế?" - B. khóc thút thít.

Thực tế, bà ngoại của B. đang còn khá khỏe mạnh và việc bà đi được xe máy là sự thật. Dù đã miêu tả đúng chân dung về bà ngoại nhưng bài văn của cháu lại lệch lạc theo quan điểm của cô. Và bài văn ấy của cháu dưới điểm trung bình khiến cháu khóc.

B. ấm ức: "Bà ngoại đi được xe máy, tại sao cô giáo lại bảo sai ạ? Sao con tả đúng như vậy lại bị cô chê hả chú?". Tôi khá lúng túng vì không biết nói gì với cháu.

Văn chương phải bắt nguồn từ thực tế. Yêu cầu trẻ miêu tả hình ảnh một người bà khác hẳn với thực tế cốt để được điểm cao, chúng ta được gì? Các con được gì? Phải chăng chúng ta đang nuôi dưỡng, cổ súy cho lối suy nghĩ dối trá?

Tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng. Chúng ta - người lớn không có quyền xô đẩy tâm hồn các con từ trung thực chuyển sang giả dối để có một bài văn hay, để có điểm số đẹp.

Câu chuyện không đơn giản chỉ là một bài văn, đó là cơ hội để trẻ lớn lên sẽ là người như thế nào. Tôi không dám tin cháu tôi sẽ trở thành một người trung thực trong tương lai khi ngày bé đã bắt đầu bị "ươm" mầm nói dối. Tại sao không tôn trọng góc nhìn của trẻ?

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về thực trạng giáo dục đúc khuôn như hiện nay? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? Hãy chia sẻ với chuyên mục Bạn đọc làm báo qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

Tác giả: Cao Văn Long

Nguồn tin: tuoitre.vn

  Từ khóa: giáo viên , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP