Những tiêu chí khắt khe đã khiến không có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện đặt ra. |
“Ông lớn” cũng không đạt
Việc TP. Đà Nẵng xúc tiến xây dựng 3 KCN mới, gồm Hòa Cầm (giai đoạn II), Hòa Nhơn và Hòa Ninh, đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn trên cả nước. Khi mở thầu sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư vào cuối năm 2020, đã có 8 nhà đầu tư tham gia, trong đó có một nhà đầu tư quốc tế và 7 nhà đầu tư trong nước.
Đây đều là những công ty “tên tuổi” trong xây dựng các KCN. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, không nhà đầu tư nào đủ điều kiện tham gia đấu thầu tiếp theo, do không đạt tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm theo quy định.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Long Hậu - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, chỉ tiêu về vốn đầu tư ở các dự án đã thực hiện là quá cao. Tại KCN Hòa Ninh, kết quả đánh giá sơ tuyển của cả 3 đơn vị, trong đó có Công ty cổ phần Long Hậu tham gia thầu đều không đạt. Lý do không đạt là các nhà thầu không thể chứng minh việc đã hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên (tương ứng dự án loại 3) trong vòng 10 năm gần nhất để xem xét, đánh giá.
Bên cạnh việc không doanh nghiệp nào đáp ứng chỉ tiêu về dự thầu, thì việc các KCN chậm triển khai cũng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng quy hoạch. Như KCN Hòa Ninh đã được TP. Đà Nẵng đưa vào quy hoạch hơn 10 năm qua, nhưng mãi đến năm 2016, UBND Thành phố mới có Quyết định phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới sử dụng đất Dự án KCN Hòa Ninh trên diện tích hơn 550 ha... Đến năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng lại có Quyết định phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới sử dụng đất KCN Hòa Ninh, rút xuống còn hơn 400 ha. Nhiều năm qua, người dân nằm trong quy hoạch KCN Hòa Ninh không thể làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng nhà cửa.
Chờ phê duyệt
Ba KCN trên có tổng diện tích 880 ha với vốn đầu tư dự kiến hơn 15.800 tỷ đồng. Đây là những dự án trọng điểm, nên TP. Đà Nẵng mong muốn sớm hoàn thành để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, những tiêu chí khắt khe đã khiến không có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện đặt ra. Vì vậy, TP. Đà Nẵng đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chỉnh tiêu chí xét thầu.
Đồng thời, Đà Nẵng cũng triển khai giải phóng mặt bằng cho các KCN trên. Mới đây UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đầu tư xây dựng 2 dự án tái định cư phục vụ giải tỏa KCN Hòa Ninh.
KCN Hòa Ninh sẽ được xây dựng cho nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm... Trong khi đó, KCN Hòa Cầm (giai đoạn II) thuộc nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng; KCN Hòa Nhơn xây dựng để phụ vụ nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, cơ khí chính xác, dược phẩm, vật liệu xây dựng cao cấp…
Thông tin về tiến độ của 3 KCN này, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn về việc lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Cầm (giai đoạn II).
“Thành phố cũng đang giải trình ý kiến của các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ dự án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư 3 KCN này”, ông Sơn thông tin.
TP. Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, nhưng thực tế cho thấy, những dự án trọng điểm này chưa thể sớm hoàn thành.
Tác giả: Hoàng Anh
Nguồn tin: baodautu.vn