Kinh tế

Bà chủ tạp hóa cao thủ: Nhìn con biết ngay mẹ cần gì

Cuối giờ chiều, bà Vân mang từng túi nem rán cùng nước mắm đi các tầng ở khu chung cư để giao hàng. Từ khi có thêm một cửa hàng tiện ích ngay bên cạnh, tạp hóa do bà quản lý cũng phải thay đổi phong cách để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Nếu như cửa hàng tiện ích bên cạnh có lợi thế về phong cách thiết kế, trưng bày hiện đại phục vụ đối tượng khách hàng trẻ thì tạp hóa của bà Vân (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại có lợi thế gắn bó gần gũi với nhóm những bà nội trợ, người giúp việc đang sinh sống trong tòa nhà.

Bà Vân chia sẻ, dù bị cạnh tranh nhưng bà không lo lắng nhiều, bởi mỗi bên đều có ưu điểm riêng và nhóm khách hàng khác nhau. Chính vì thế, việc có thêm một cửa hàng tiện ích trong chung cư người dân sẽ có nhiều lựa chọn.

Các tạp hóa truyền thống đang cạnh tranh với siêu thị, cửa hàng tiện ích


Mặt hàng của tạp hóa bà Vân bày bán thiên về các loại thực phẩm chế biến sẵn, rau củ quả hàng ngày. Với khách quen, lúc nào bà cũng niềm nở tư vấn hôm nay có thực đơn, vị, hương vị ra sao. Khách sau khi mua thịt cá có thể nhờ bà thái hộ, nêm nếm gia vị. Một số loại đồ ăn còn được khuyến mại thêm hành lá, rau thơm, ớt,... nếu đặt trước bà còn giúp nấu chín, mang tới tận phòng.

“Trong cửa hàng tiện ích cũng có thực phẩm nhưng phần lớn là đồ đông lạnh, còn tôi toàn bán các loại giết mổ trong ngày, đảm bảo vừa tươi ngon, chất lượng. Nói gì thì nói, người dân mình vẫn thích thực phẩm tươi sống hơn”, bà cho hay.

Bà Vân nói rằng lợi thế của mình là nắm rõ tâm lý khách hàng. “Nhà nào hay mua gì, ăn gì mình đều nắm rõ, nhiều khi bố mẹ các cháu bận không xuống được nhờ con xuống lấy, mình biết ngay nhà đó cần gì. Hay có lúc, bố mẹ đi vắng, con xuống mua chịu, chiều bố mẹ trả tiền”.

“Lắm hôm nửa đêm còn có người gọi cửa mua gói mỳ tôm, nhưng mình vẫn nhiệt tình phục vụ”, đó là ưu thế hơn hẳn các cửa hàng tiện ích hay siêu thị chỉ hoạt động theo giờ, bà Vân nhận xét.

Hiện nay, ngoài việc nâng cao phong cách phục vụ, bà Vân còn đầu tư thêm tủ, kệ để hàng để người mua tiện lựa chọn. Đồng thời, bà chủ tạp hóa luôn nhắc nhở nhân viên bán hàng phải niềm nở, nhiệt tình với khách cư dân tòa nhà.

Số hóa tạp hóa

Cách đây hơn một tuần, bà Mai, chủ cửa hàng tạp hóa (Khương Đình, Thanh Xuân, HN) mới đầu tư gần 5 triệu đồng để sắm một bộ máy tính chức năng quét mã vạch, tính tiền cho khách hàng. Thực tế, trước khi quyết định nâng cấp số hóa cửa hàng của mình, bà cũng khá đắn đo. Những người kém công nghệ như bà Mai luôn lo lắng mất nhiều thời gian để học và thao tác, chưa kể nếu tính sai có thể bị nhầm, mất tiền oan, đặc biệt khi máy tính hỏng hay mất điện thì không biết xoay sở thế nào.

Tuy nhiên, sau khi được con trai hướng dẫn, bà Mai sử dụng rất thành thạo. Thay vì phải ngồi ghi giá từng sản phẩm, bà ung dung ngồi quẹt thẻ tính tiền, cuối ngày không còn phải tính toán cộng sổ. Nhờ vào phần mềm trên máy tính, bà Mai còn nắm được mặt hàng nào bán chạy, số lượng hàng tồn kho,... chỉ bằng một click chuột.

Nhiều tạp hóa còn online bán hàng trên mạng


Dù sử dụng máy tính để tính tiền cho khách, bà Mai vẫn linh động với những khách hàng quen thiếu tiền. “Máy tính tiền cũng chỉ là công cụ hỗ trợ một phần, mình vẫn phải chủ động nắm rõ giá cả, đơn hàng, dù sao mấy năm bán hàng cũng quen kiểu tính tiền bằng miệng rồi”, bà Mai cho hay.

Một số mặt hàng thực phẩm quê, đồ ăn sẵn, bà còn đưa lên facebook cộng đồng cư dân để giới thiệu, bán hàng, nhận đơn hàng trên mạng. Thậm chí, bà Mai sử dụng cả Zalo để giúp cư dân quanh đó có thể tiện liên lạc mua bán qua điện thoại.

Trong khi các cửa hàng tiện ích đang đua nhau mở rộng mạng lưới, các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có những lợi thế riêng. Theo báo cáo của Nielsen, trong một thập kỷ qua, lần đầu tiên kênh bán lẻ truyền thống tăng trưởng nhanh hơn kênh thương mại hiện đại (hơn đến 5,4%). Hiện kênh bán lẻ truyền thống chiếm hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh, tương đương với gần 10 tỷ USD.

Ngoài yếu tố giá cả, người tiêu dùng còn quan tâm tới các yếu tố như sự sẵn có của sản phẩm (62%), sản phẩm có chất lượng cao (57%), vị trí cửa hàng thuận tiện (54%), cung cách phục vụ của nhân viên tại cửa tiệm (51%) và sắp xếp/phân loại hàng hóa hợp lý (51%) .

Theo bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường, JLL Việt Nam, mạng lưới chợ truyền thống dày đặc và vẫn là nơi lựa chọn của rất nhiều người. Thói quen và quan niệm lâu đời có thể thay đổi được nhưng vẫn cần có thời gian và trải nghiệm thực tế.

Các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là những nơi không thuộc Hà Nội và TP.HCM. Các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình.

Các chuyên gia cho rằng, các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có nhiều cơ hội tồn tại bởi gắn chặt với thói quen của người dân. Chính vì thế, bà Mai hay bà Vân đều lạc quan về hoạt động kinh doanh của mình.

Tác giả bài viết: Nam Hải

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP