Các tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động phi pháp quanh đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AMTI) |
Theo Reuters, Sách trắng Ngoại giao do chính phủ Australia công bố ngày 23/11 đã đề cập tới tình hình biển Đông, coi đây là một “vấn đề lớn của trật tự khu vực”. Sách trắng cho biết Australia “đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng có tiền lệ” của các hoạt động bồi đắp, xây dựng mà Trung Quốc tiến hành tại vùng biển tranh chấp.
“Australia phản đối việc sử dụng các thực thể tranh chấp và các cấu trúc nhân tạo trên Biển Đông để phục vụ cho các mục đích quân sự. Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết các bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Sách trắng Australia nêu rõ.
Ngoài ra, văn kiện dài 115 trang và được xem là “kim chỉ nam” cho chính sách đối ngoại của Australia cũng nhấn mạnh vai trò của Mỹ, khẳng định “các thách thức quốc tế chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả khi quốc gia giàu có nhất, tân tiến nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới tham gia vào giải quyết chúng”.
Theo Sách trắng Ngoại giao Australia, tăng trưởng kinh tế và sức mạnh của Mỹ sau khi Thế chiến 2 kết thúc đang bị Trung Quốc thách thức. Văn kiện này cũng đề cập 120 lần tới cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, một khái niệm mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên nhắc tới trong chuyến công du châu Á vừa qua của ông.
Ngay sau khi Australia bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông trong Sách trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng “phản pháo”.
“Australia không phải là một bên liên quan trực tiếp tới vấn đề Biển Đông, và nước này cũng nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không đứng về phía nào. Chúng tôi hy vọng Australia sẽ tôn trọng cam kết của họ và ngừng đưa ra những bình luận thiếu trách nhiệm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết ngày 23/11.
Trước đó, Sputnik ngày 1/11 trích dẫn phân tích của một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ về các hình ảnh vệ tinh chụp tại khu vực Biển Đông cho thấy Trung Quốc dường như đang tiếp tục xây dựng thêm các căn cứ không quân và hải quân trái phép tại khu vực Đảo Cây, thuộc nhóm đảo An Vĩnh ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong khi đó, tại một số khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc được cho là đang xây dựng đường băng, dẫn đến nghi vấn rằng Bắc Kinh có thể đang tính toán đến việc xây dựng căn cứ không quân trái phép ở khu vực này.
Tác giả: Thành Đạt (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí