Khách du lịch sang Việt Nam đông hơn dịp lễ APEC, từ tháng 10 trở đi lượng khách quốc tế từ châu Âu, châu Mỹ sang Việt Nam được dự đoán tăng hơn vì trùng các dịp lễ và nghỉ đông |
Khách quốc tế đến với Việt Nam tháng 11 tăng hơn 25%, trong đó khách châu Á tăng mạnh nhất hơn 30%, khách châu Âu, châu Úc và châu Mỹ tăng trên 10%...
Tính chung 11 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,6 triệu lượt người, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách châu Á là hơn 8,7 triệu lượt người, tăng trên 32%. Khách châu Âu đạt trên 1,7 triệu lượt người, số còn lại là khách từ châu Mỹ, châu Úc...
Trong số khách đến với Việt Nam nhiều nhất thời gian qua là du khách Trung Quốc, 11 tháng qua có gần 3,6 triệu lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam, tăng trên 45%, tiếp sau là khách Hàn Quốc hơn 2 triệu lượt người, khách Nhật Bản ít hơn 700 nghìn lượt người...
Cơ quan thống kê cho biết, du khách đến Việt Nam tăng là do trong tháng công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua nhiều hội nghị bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình dương (APEC).
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và nhiều địa phương đã ráo riết vào cuộc chặn vấn nạn du lịch 0 đồng từ khách du lịch Trung Quốc. Nhiều giải pháp đã được áp dụng để quản lý lượng khách du lịch lớn từ Trung Quốc tại các địa điểm du lịch, thông qua các hoạt động mua vé, bán hàng hoặc xử lý các vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, mới đây Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã báo cáo tình hình đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế và chỉ rõ: Vốn đầu tư của Trung Quốc đang được chuyển hướng nhắm vào mua cổ phần, cổ phiếu của các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
Cụ thể, trong tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD mà các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam, có hơn 430 triệu USD đổ vào mua cổ phần, cổ phiếu, với hơn 725 lượt mua cổ phần.
Trong khi đó, chỉ có hơn 200 dự án được cấp mới, hơn 75 dự án được giới đầu tư Trung Quốc tăng số vốn đầu tư.
Về tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, hiện Trung Quốc đứng cách khá xa so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore nhưng về số lượt góp vốn mua cổ phần thì nhà đầu tư nước này đang vượt qua Nhật Bản, Singapore.
Theo cảnh báo của TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT: Đà mua sắm các doanh nghiệp ngoại, tài sản ở nước ngoài của các tư bản Trung Quốc không là điều mới lạ nhưng đây là mối lo đối với việc chuyển lạm phát của nước này ra nước ngoài, nguy cơ bị thâu tóm tài sản đất đai, kinh nghiệm sản xuất hoặc bí quyết thương hiệu, sản phẩm.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí