Một ca làm việc tại chốt đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) với sự tham gia hỗ trợ của các thanh niên tình nguyện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Chung tay cùng xã hội
Chiếc xe 32 chỗ đỗ xịch sau hiệu lệnh, nhiều người nước ngoài bước xuống chốt kiểm tra y tế với vẻ mặt không vui vì bị dừng lại đột ngột.
Ngay lập tức những bóng áo xanh bước tới để trấn an những vị khách nước ngoài bằng một giọng tiếng Anh lưu loát: "Chúng tôi ở đây để giúp chúng ta an toàn trên hành trình thăm thú, chúng tôi vì sức khỏe của bạn".
Đã hai ngày liên tiếp, Lê Đức Thắng (sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) tham gia hỗ trợ tại điểm chốt dịch giáp ranh với tỉnh Quảng Nam. Đường Trường Sa, nơi "đóng quân" của chốt chặn này là tuyến đường chính nối đô thị cổ Hội An với TP Đà Nẵng, nên mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở khách du lịch nước ngoài qua lại.
Mỗi khi có đoàn khách nước ngoài đến, lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe cũng là lúc 3 thành viên trong nhóm của Thắng cùng ra hỗ trợ đội y tế.
Lực lượng này tiến hành đo thân nhiệt từng vị khách rồi triển khai cho những hành khách khi điền vào tờ khai y tế. Thỉnh thoảng có những vị khách không nhớ nổi địa chỉ lưu trú của mình khi ở Việt Nam thì lực lượng "áo xanh" lại phải giúp họ truy cập vào booking.com, Agoda.com hoặc trao đổi lại với lái xe người Việt.
Đưa tay quẹt mồ hôi, Thắng cho biết nhà ở quận Liên Chiểu, phải đi gần 30km mới tới điểm chốt dịch nên đăng ký ca tình nguyện kéo dài 12 tiếng hằng ngày từ 7 giờ sáng.
"Ngoài việc đo thân nhiệt, triển khai ghi chép tờ khai y tế liên quan đến các nội dung như lý lịch dịch tễ, địa chỉ nơi lưu trú của khách khi đến Đà Nẵng, mục đích đến Đà Nẵng thì bọn em cũng hỗ trợ một số người không rõ cách dùng phần mềm khai báo y tế điện tử"- Thắng nói.
Thanh niên Đà Nẵng tham gia hỗ trợ tại các chốt kiểm tra y tế ngoại ô Đà Nẵng - VIDEO: TRƯỜNG TRUNG
Tương tự Thắng, sinh viên Phạm Lam Vy cũng đăng ký công việc tình nguyện hỗ trợ tiếng Anh cho các lực lượng chức năng tại điểm chốt chặn cuối đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn).
Là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng, Vy được nhà trường thông báo cho nghỉ hai tháng nay vì dịch COVID-19. Ngay khi có lời kêu gọi, Vy xung phong đăng ký tham gia dù có chút e dè từ những thành viên trong gia đình.
"Nói không sợ thì cũng không đúng, nhưng được trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ an toàn nên em cũng không lo lắng lắm. Vừa rồi em thi tiếng Anh đủ điều kiện tốt nghiệp, giờ ra đây vừa được ôn lại kỹ năng vừa giúp đẩy lùi bệnh dịch để sớm trở lại trường" - Vy hồ hởi.
Sinh viên Phạm Lam Vy (ngoài cùng bên trái) hỗ trợ phiên dịch tại chốt kiểm tra y tế ra vào Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Công việc trôi chảy hơn
Theo dược sĩ Hồ Thị Phương Mai (cán bộ Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn) - từ khi có sự đồng hành của đội thanh niên tình nguyện, công việc của chốt đã trôi chảy hơn.
Theo chị Mai, đối tượng kiểm tra của các chốt đo thân nhiệt đa số là khách nước ngoài. Với vốn ngoại ngữ lưu loát, các "cầu nối giao tiếp" này dễ dàng giải thích, làm an lòng những vị khách nước ngoài trong quá trình làm việc với lực lượng chức năng.
"Người nước ngoài vốn có văn hóa riêng tư rất cao, nhất là vấn đề thông tin cá nhân. Khi lực lượng y tế chúng tôi cùng với các đơn vị chức năng làm việc nhiều khi do lực lượng mỏng nên không kịp trao đổi hết với các đoàn khách, người hiểu thì không sao những có những người tỏ ra khó chịu"- chị Mai nói.
Sự hỗ trợ của những thanh niên tình nguyện trẻ trung, năng động cùng khiến người nước ngoài cảm thấy thoải mái hơn trong giao tiếp. Đặc biệt vốn ngoại ngữ chuyên sâu đã giải thích cặn kẽ để bạn bè hiểu và chấp hành những quy định phòng dịch COVID-19 đang triển khai ở nước ta.
Sau hai ngày kêu gọi đến nay, Thành đoàn Đà Nẵng đã nhận được hơn 1.200 lượt đăng ký của các tình nguyện viên. Đã có hơn 200 tình nguyện viên "ra trận" tại các chốt kiểm dịch. Thành phần đăng ký đa số là các bạn sinh viên có trình độ ngoại ngữ khá về tiếng Anh, Trung, Hàn và một số hướng dẫn viên đang tạm nghỉ việc trong mùa dịch.
Đồng hành cùng các lực lượng chức năng trên các chốt phòng dịch 24/24 ở Đà Nẵng trong những ngày này là những màu áo xanh tình nguyện - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Không để người nước ngoài cảm thấy bị kỳ thị Anh Nguyễn Duy Thành, trưởng ban tuyên giáo Thành đoàn Đà Nẵng, cho biết công việc chính của các bạn là hỗ trợ phiên dịch để các lực lượng chức năng làm việc, đồng thời hỗ trợ công tác phòng dịch như phát khẩu trang, xịt dung dịch sát khuẩn tay. Theo anh Thành, trước khi các tình nguyện viên đăng ký tham gia sẽ được trang bị kiến thức phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y và trang bị các dụng cụ bảo hộ phòng dịch trong quá trình làm việc. "Đương nhiên quá trình làm "cầu nối" cho các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ chúng tôi cũng trao đổi với các bạn làm sao để những vị khách nước ngoài cảm thấy thoải mái, an lòng mà không có cảm giác như bị kỳ thị"- anh Thành nói. |
Tác giả: TRƯỜNG TRUNG - QUỲNH TRÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ