Thông tin từ cơ quan chức năng, trước đó, khoảng 10h30 ngày 27/8, anh Nguyễn Văn H., SN 2002, trú tại thôn Đông Phong đến dự tiệc cưới của một gia đình cùng thôn. Anh H. và nhiều người khác cùng thôn ngồi ăn và uống rượu.
Đối tượng Lê Văn Hai tại cơ quan công an. |
Khi mọi người dừng uống thì Hai mang rượu đến chúc, anh H. từ chối thì Hai cho rằng người này không tôn trọng mình; dẫn tới việc hai bên chửi bới, xô xát.
Sẵn trong người có hơi men, Hai vào trong khu bếp của đám cưới, ít phút sau quay lại cầm theo 2 thanh xiên thịt làm bằng kim loại có đầu nhọn và tiến về chỗ anh H.
Thấy vậy, anh H. hoảng sợ bỏ chạy. Lo sợ án mạng xảy ra, một số người dân đã gọi điện thoại báo tin cho Công an xã Tiên Phong.
Nhận được tin báo, Chỉ huy Công an xã đã phân công Trung úy Mai Tiến Hưng, Thượng úy Nguyễn Văn Chín và đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Công an viên bán chuyên trách xuống hiện trường xác minh, giải quyết.
Khi lực lượng chức năng tiếp cận đối tượng, Hai không những vẫn lăm lăm trên tay 2 xiên sắt dài mà còn rút trong túi quần ra 1 con dao (loại dao gọt hoa quả). Xác định đối tượng trước đó có sử dụng rượu, không kiểm soát được hành vi nên cán bộ chiến sĩ Công an xã Tiên Phong đã giải thích, vận động Hai bỏ hung khí, tránh gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Tang vật vụ án. |
Tuy nhiên, đối tượng tỏ thái độ chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác và chạy vào một nhà dân gần đó, lấy gạch ném về phía cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ, đồng thời dùng xiên sắt đâm bị thương Trung úy Mai Tiến Hưng rồi bỏ chạy. Tổ công tác sau đó đã đưa Trung úy Mai Tiến Hưng đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì.
Nhận được tin báo của Công an xã Tiên Phong, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Ba Vì đã tổ chức truy bắt Lê Văn Hai để xử lý theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Hành vi của người đàn ông Lê Văn Hai là rất nguy hiểm cho xã hội; coi thường pháp luật cũng như tính mạng, sức khỏe của người khác.
Theo Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về mặt khách quan, hành vi chống người thi hành công vụ của đối tượng Hai được thể hiện rất rõ, cụ thể là đối tượng tỏ thái độ chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác và chạy vào một nhà dân gần đó, lấy gạch ném về phía cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ, đồng thời dùng xiên sắt đâm bị thương Trung úy Mai Tiến Hưng rồi bỏ chạy.
“Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Việt nói.
Trường hợp chống người thi hành công vụ với mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội chống người thi hành công vụ tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015:
Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hoặc nặng hơn thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (theo quy định tại khoản 2).
Tác giả: Tư Viễn
Nguồn tin: ĐS&PL/NĐT