Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay ở Huế trôi qua trong cái lạnh se se đầu đông. Những bó hoa tươi thắm trưng ra giữa phố xá nhộn nhịp có lẽ cũng buồn thiu trước cảnh mưa to, nước ngập lênh láng.
Vậy mà đón chúng tôi tại trường vẫn là những cô cậu học trò cấp hai rạng ngời. Dẫu lớp giấy hoa gói quà thấm nước, bó hồng dập cánh vì mưa nhưng tấm lòng của các em sao làm thầy cô rưng rưng xúc động đến thế! Quà từ trái tim với lòng tri ân đáng quý biết bao nhiêu!
Mấy cô bé lớp 8 bạo dạn trao cô giáo bó hoa tươi thắm và chúm chím chúc cô trẻ mãi không già, cười hoài không chán và không quên “tái bút”: “Cô ơi cô, mai cô đừng gọi cháu dò bài cũ nha cô…”.
Có cậu bé lớp 7 kia thẹn thùng trao món quà nhỏ thắt nơ xinh xắn vào tay cô và chạy biến đi thật nhanh. Em chưa kịp nói lời chúc mừng cô, cô chưa kịp nói lời cảm ơn em nhưng cái tình trao nhau thấm vào từng ánh mắt.
Bên hành lang trú mưa, một nhóm các em gái ôm hoa hết nghiêng bên này lại quay bên kia tìm thầy cô. Mấy khuôn mặt hớn hở thấy bóng dáng quen thuộc của cô thầy, thỉnh thoảng lại nhẩm tính xem còn thiếu người nào, trông thật hồn nhiên.
Quà của học sinh, dù là cành hồng, cánh thiệp hay lời nhắn gửi qua tin nhắn, facebook đều có thể làm thầy cô ấm lòng. Và ấm áp hơn cả vẫn là lời tri ân của trò cũ. Năm nay, tôi nhận được một món quà đặc biệt từ những em học trò cũ của mình mà lòng rưng rưng xúc động.
Một món quà nhỏ cùng cánh thiệp với lời chúc giản dị, mộc mạc như chính tấm lòng của các em: “Nhân ngày 20/11 chúng em sinh chúc cô sức khỏe, vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình, luôn là một giáo viên gương mẫu cho mỗi học sinh”. (Hì, từ “sinh” của các em sai chính tả mất rồi.)
|
Nét chữ này là của bé Trâm cao dong dỏng với làn da ngăm ngăm. Thịnh là lớp phó kỷ luật nghiêm nghị như một ông cụ non. Bé Nguyệt hiền ngoan với nụ cười bẽn lẽn. Trò Tiến bị cô nhắc nhở học bài, làm bài suốt học kỳ một và sau đó tiến bộ đến không ngờ. Bình nghịch ngợm và hay bày trò làm cả lớp cười lăn. Trường thì ngược lại, ít nói vô cùng. Và cô thương nhất vẫn là Tài, cậu học trò nghèo theo mẹ đi xúc trấu mỗi ngày nghỉ… Và còn nhiều, nhiều gương mặt trong lớp vẫn in đậm trong tâm trí cô.
Gọi là “trò cũ” vì chúng là “con” của tôi năm ngoái khi tôi vừa dạy Ngữ Văn vừa chủ nhiệm lớp 6/4. Năm học này, tôi không hề được bố trí chuyên môn vào lớp ấy nữa và trở thành “cô giáo cũ” nhưng lòng cảm mến và tình yêu thương từng học sinh vẫn vẹn nguyên trong tôi như ngày nào.
Tình cảm của trò cũ với cô giáo cũ cũng chẳng nhạt phai, khác xưa là mấy. Chỉ cần mỗi lần thấy bóng dáng của cô lướt qua trên hành lang lớp học hay trên sân trường là một bầy chim non lại tíu tít gọi cô, tay níu cặp và miệng nhoẻn cười. Khoảnh khắc ấy hạnh phúc vô ngần!
Niềm vui của người thầy giản đơn và bình dị vô cùng. Nếu ví lòng biết ơn và sự yêu mến của học trò như một viên kẹo ngọt ngào thì tình cảm của trò cũ sẽ là dòng mật ngọt lịm. Cảm ơn món quà của các em nhé! Đó sẽ là động lực để nhiều người thầy dưỡng nuôi “ngọn lửa” nhiệt huyết, miệt mài gieo chữ, gieo hạt giống tâm hồn.
Hẳn là nhiều đồng nghiệp sẽ đồng cảm với tôi rằng: Nhận lời tri ân của học trò đang trực tiếp giảng dạy làm lòng thầy vui một phần thì lòng biết ơn của trò cũ sẽ là niềm vui bội phần. Mỗi năm đứng lớp dạy dỗ hàng trăm học sinh rồi sang năm học mới ta sẽ trở thành “thầy giáo cũ”, “cô giáo cũ”.
Cũng có những trò cũ ngoảnh mặt làm ngơ trước người thầy một thời dạy dỗ; không ít người tri ân theo kiểu “mùa vụ”, chỉ cần tỏ lòng với người thầy “đương thời” và cố tình bỏ quên người thầy của quá khứ… Chính sự vô tình ấy làm người “gieo hạt” nhiều lần ngậm ngùi và xót xa cả cõi lòng.
Bài học dạy con về lời tri ân, xin vun đắp cho trẻ lòng biết ơn với thầy cô giáo cũ…
Tác giả: Nguyễn Thùy
Nguồn tin: Báo Dân trí