Theo thông báo mới nhất trong ngày 4/4, Bộ di tích cổ Ai Cập cho biết, các nhà khảo cổ học nước này vừa tìm thấy những di tích của ngôi đền mang phong cách Hy Lạp – La Mã cổ, tại khu vực khảo cổ Al – Salam, cách ốc đảo Siwa chừng 200 dặm về phía nam biển Địa trung Hải.
Phần tàn tích bao gồm phía trước ngôi đền, nền và lối vào chính. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy bức tường ngoài dày 1m bao quanh hai bên lối vào.
|
Ông Ayman Ashmawi, người đứng đầu Bộ di tích cổ Ai Cập cho hay, các nhà khảo cổ học hi vọng tìm thấy nhiều di tích đền thờ cổ hơn nữa sau một loạt các cuộc khai quật được thực hiện vào cuối năm nay.
Đền thờ mới được khai quật mang nét kiến trúc đậm nét thời kỳ Hy Lạp – La Mã cổ, tồn tại khoảng năm 332 trước công nguyên tới năm 365 sau công nguyên. Các tháp của đền có cột góc được trang trí với những thiết kế nổi tiếng với chạm khắc, họa tiết hình mũi tên, oval.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra những mảnh vỡ của đồ gốm, đồng xu, tác phẩm điêu khắc mặt người Hy Lạp, cùng hai bức tượng sư tử đá. Một trong số đó không có đầu.
|
Sarah Parcak, một trong các nhà khảo cổ của nhóm, vui mừng trước những phát hiện mới. “Điều này sé góp phần làm sáng tỏ hơn về lịch sử của ốc đảo Siwa”, Sarah Parcak khẳng định.
Tọa lạc ở khu vực phía tây của sa mạc, ốc đảo Siwa rất xa. Nơi này nổi tiếng với ngôi đền Oracle thờ thần Mặt Trời Ai Cập Amon-Ra và đã được vua Alexander Đại đế ghé thăm. Khách du lịch lại cho rằng, họ chưa bao giờ hết ấn tượng với ốc đảo nằm cô lập giữa sa mạc này, bởi nó được ví như viên ngọc ẩn mình trong cát.
Theo tương truyền, ốc đảo Siwa còn có một hồ bơi nổi tiếng, nơi Nữ hoàng Cleopatra từng tắm. Là một ốc đảo nằm giữa nắng gió sa mạc, nhưng Siwa vẫn được phủ xanh bởi hàng ngàn cây oliu và cọ vươn cao cùng hồ nước dưới ánh mặt trời. Đến Siwa, du khách còn có nhiều nơi khác để khám phá như những ngôi mộ cổ của người Ai Cập hay đền La Mã linh thiêng.
Ốc đảo Siwa được ví như viên ngọc vùi trong cát |
Nhà khảo cổ học Parcak cho biết, với những phát hiện ở thời điểm hiện tại chưa thể làm rõ kích thước ban đầu của ngôi đền, cũng như thời gian cụ thể nó được xây dựng trước kia. Nhưng khám phá này có thể cung cấp tư liệu về sự chiếm đóng của Hy Lạp – La Mã cổ đại cùng các hoạt động diễn ra ở Ai Cập trong thời gian này. Các đền thờ trước kia không chỉ là địa điểm tôn giáo, còn là trung tâm kinh tế nơi những vị linh mục sinh sống và người dân địa phương tới thăm viếng.
“Tôi hi vọng lần này, nhóm khảo cổ sẽ tìm ra khu định cư hay nhà ở của các linh mục. Phát hiện như vậy sẽ cung cấp thêm tư liệu để tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của người cổ đại”, Parcak nói.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí