Biển Ghềnh Ráng, Quy Nhơn - Ảnh: Lê Thanh Hải |
'Chỉ có núi mới sánh được vẻ đẹp của biển'
Nhà thơ người Dagestan, Abutalib nói: “Chỉ có núi mới sánh được vẻ đẹp của biển”. Xứ sở ông là những vách núi hiểm trở, nơi ngụ cư của con người, ngựa cùng chim đại bàng và biển Caspian.
Tôn vinh vẻ đẹp của núi (dĩ nhiên có rừng) và biển là quá đúng. Khoe với tiền bối, ngay tại Quy Nhơn tôi, có núi đất núi đá và biển, có cả núi cát cạnh kề nhau, hòa vào nhau, bổ sung nhau tạo nên một vẻ đẹp thực sự hoàn hảo!
Đấy, vùng du lịch vài năm qua đình đám: Kỳ Co - Eo Gió. Giới làm du lịch đã biết cách khai thác, mọi thứ ngày càng hài hòa hơn. Ngoạn cảnh, chụp hình, tắm biển, lặn ngắm san hô, ăn hải sản tươi ngon…, căn bản du khách hài lòng. Dân giờ nhiều người khá giả, đi du lịch, hoặc chọn Quy Nhơn chụp hình cưới, hưởng tuần trăng mật là bình thường. Cả khách Tây, Việt kiều.
Một bạn tài xế taxi còn kể từng chở 3 cô giáo Hà Nội từ sân bay Phù Cát về đến Eo Gió chỉ để tắm biển, chụp hình vài giờ rồi về sân bay trong ngày. Họ không có thời gian nhẩn nha tận hưởng. Nhưng họ đã tới. Để chứng thực. Hài lòng và hẹn sẽ trở lại.
Lâu nay ít người biết Quy Nhơn (Bình Định) có những bãi biển đẹp mê hồn, còn nguyên sơ: Trung Lương, Hải Giang, Cát Hải, Kỳ Co… ngay bờ biển thành phố dài 8 km cong đẹp như trăng lưỡi liềm đã là duy nhất. Dẫu gì, cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, dịch vụ phát triển… cũng góp phần cho viễn khách biết đến Quy Nhơn nhiều hơn. Khi người ta đã quá quen với Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Sầm Sơn…, Quy Nhơn thành điểm đến hấp dẫn, vì mới và lạ. Ngay tết này, Quy Nhơn cũng rất nhiều khách xa.
Giá như Abutalib sống thời này, và được một lần ghé thăm thành phố tôi, bậc thầy trầm tư với lời nhắc nhở trứ danh “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai nã vào anh bằng đại bác” hẳn sẽ gật gù tán thưởng và bổ sung thêm gì đó vào niềm ngưỡng mộ đến kính tín của ông dành cho tự nhiên.
Sợ có ngày Quy Nhơn không còn là riêng
Biển Hồn Khô, Quy Nhơn - Ảnh: Lê Thanh Hải |
Liệu những bãi biển đẹp nguyên sơ, những núi đá, núi cát của Quy Nhơn tôi mươi năm nữa có còn vẻ lộng lẫy, tinh khôi ban đầu? Không, chắc chắn rồi. Ngay Kỳ Co đang tiếp tục hoàn thiện để phục vụ tốt hơn, những homestay mọc lên nơi triền núi để du khách có thể ở, nghỉ dưỡng dài ngày còn khả dĩ. Ngoài tắm biển, lặn ngắm san hô giờ thêm dù lượn, honda nước…, cho phong phú hưởng thụ cũng hợp lý. Nhưng xây dựng cái cầu dài mấy trăm mét bên vách đá để đi dạo chụp hình thì thật quá quắt: vách núi ghềnh đá tuyệt đẹp giờ như gắn thêm cái vết sẹo thô kệch, tội nghiệp.
Mừng cho Quy Nhơn tôi đang được nhiều người biết tới, đang ăn nên làm ra, đời sống khá dần lên, nhưng những lợi nhỏ hôm nay như kiểu ăn xổi ở thì. Sẽ một ngày Quy Nhơn không còn là riêng, là độc đáo.
Thành phố Quy Nhơn - Ảnh: Nguyễn Dũng |
Tôi quá riết róng khi hạ thấp con người trong mối quan hệ với tự nhiên chăng? Thôi thì nói thêm, một sản phẩm của con người cũng thật tuyệt diệu, là đã sinh ra con người! Vì chỉ con người mới có nhận thức về cái đẹp, biết yêu cái đẹp, và thán phục, ngợi ca vẻ đẹp của tự nhiên. Con người đã và sẽ nỗ lực trân giữ, sùng tín người nghệ sĩ, người thầy vĩ đại thiên nhiên.
Đã có những nhóm bạn của “Hội leo núi Quy Nhơn”, “Hội khám phá nước non Bình Định” tự nguyện ba lô trên lưng đến nơi sơn cùng thủy tận chiêm ngưỡng từng cù lao, con suối như một đam mê khám phá, phát hiện rồi đánh dấu lộ trình cho kẻ đi sau. Những lặng lẽ đáng yêu của họ sẽ dần khơi lại điều thiện lương luôn có sẵn trong mỗi hồn người, để nâng bỗng con người lên trong hòa điệu chứ không phải kiểu ngạo mạn chinh phục.
Chiều nay tôi bất ngờ thấy hiền giả Abutalib trầm tư trên ghềnh đá Quy Nhơn. Ông không liên quan gì đến quá khứ súng lục và tương lai đại bác nữa, mà chỉ lặng lẽ chiêm bái biển và trời, núi đá, núi cát. Phải, Abutalib cũng đẹp như núi như biển. Có thể ông đang khởi một dụ ngôn nào đó về thiên nhiên hôm nay, mai sau. Nhưng tiếc là sóng đã cuốn đi…
Tác giả: Lê Hoài Lương
Nguồn tin: Báo Thanh niên