Giáo dục

8 phiên làm việc về thực hiện Khung trình độ quốc gia, đảm bảo chất lượng GD ĐH

Ngày 30/5, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT phối hợp với Chương trình hỗ trợ giáo dục đại học khu vực ASEAN của Liên minh châu Âu (SHARE) tổ chức Hội thảo Tác động của Khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với giáo dục Đại học Việt Nam.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước chụp ảnh tại phiên khai mạc hội thảo.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bùi Văn Ga và Đại sứ Bruno Angelet -Trưởng đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam;

Hội thảo thu hút sự tham gia của 141đại biểu đến từ các trường ĐH, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Khung trình độ quốc gia Việt Nam có 8 bậc, bao gồm 5 bậc giáo dục nghề nghiệp và 3 bậc giáo dục đại học. Thực hiện khung trình độ quốc gia sẽ có tác động mạnh mẽ đến nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, người học, hướng đến các chuẩn mực quốc tế… điều đó sẽ góp phần làm thay đổi cơ bản chất lượng của giáo dục đại học trong xu thế hội nhập, cạnh tranh mạnh mẽ và nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Bộ GD&ĐT sẽ quản lý, triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và các điều kiện cần thiết để trình Thủ trướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện tham chiếu các trình độ giáo dục đại học của khung trình độ quốc gia Việt Nam với khung tham chiếu trình độ ASEAN và các khung trình độ quốc gia khác; phê duyệt chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc giáo dục đại học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra và các điều kiện đảm bảo chất lượng”.

Được biết, bên cạnh việc thực hiện khung trình độ quốc gia, Việt Nam cũng đang chủ trương đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, coi đây là một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN và trên cơ sở tham khảo chung đảm bảo chất lượng ASEAN, Bộ GD&ĐT đã ban hành các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Đến nay, cả nước đã có 88 chương trình được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực như AUN-QA, ABET, CTI, ACBSP…; 5 trường đại học đã được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn của AUN-QA và HCERES. Việt Nam cũng tham gia tích cực mạng lưới đánh giá chất lượng khu vực và thế giới.

Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 30/5 cho đến 1/6 với 8 phiên làm việc.

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành khung trình độ quốc gia Việt Nam dựa trên Khung trình độ tham chiếu ASEAN. Việc xây dựng và phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng, là tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ là căn cứ để xây dựng và quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Khung trình độ quốc gia tạo điều kiện cho nước ta thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung trình độ tham chiếu khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, công nhận văn bằng, chứng chỉ trong trao đổi SV, dịch chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP