Những doanh nhân tuổi Tân Sửu
Doanh nhân đầu tiên phải kể đến là ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát.
Vào năm 1992, ông cùng các cộng sự thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng, tiền thân của Tập đoàn Hòa Phát. Trong những năm đầu tiên hoạt động, công ty chủ yếu buôn bán đồ cũ từ Nga về, nội thất, làm ống thép,…
Phải đến năm 2000, "thép xây dựng" mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát. Đây chính là bước chuyển mình quan trọng để hình thành nên một trong những công ty thép hàng đầu Việt Nam – Tập đoàn Hòa Phát.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - Ảnh: Internet. |
Nhờ thép, đại gia Trần Đình Long hiện đang góp mặt vào danh sách tỷ phú USD của tạp chí Forbes với khối tài sản 2 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới.
Tính đến cuối năm 2020, ông Trần Đình Long và gia đình đang sở hữu trực tiếp 1,16 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 34,97% vốn Hòa Phát.
Năm 2020 cũng là năm đặc biệt với Hòa Phát khi tập đoàn đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019. Đặc biệt, lợi nhuận tập đoàn ghi nhận lên đến 13.506 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần.
Đây có lẽ là thành quả từ chiến lược “xe tăng, xe lu” của vị tỷ phú người Hải Dương: tăng sản lượng, giảm giá bán, giành thị phần. Báo cáo của một công ty chứng khoán cũng cho biết giá thành sản xuất của Hòa Phát thấp hơn 10-15% so với các công ty cùng ngành.
Vị doanh nhân tiêu biểu thứ 2 là bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn. Giới đầu tư chứng khoán không còn xa lạ với tên tuổi nữ doanh nhân được mệnh danh là “nữ hoàng” cá tra.
Con đường kinh doanh của bà Khanh bắt đầu từ năm 1997, khi bà chính thức thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn với nhiệm vụ chính là ưu tiên xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.
Khởi đầu từ phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu, hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn - Ảnh: Internet |
Năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh thành lập VHC. Đến năm 2007, công ty này chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và chính thức niêm yết cổ phiếu tại sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào cuối năm đó.
Tính đến hết năm 2020, bà Trương Thị Lệ Khanh đang nắm giữ hơn 79 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Cổ phiếu VHC chốt phiên 9/2 giao dịch ở mức 36.650 đồng/cổ phiếu. Tính ra, khối tài sản của bà Khanh tại VHC lên tới gần 2.901 tỷ đồng.
Năm 2019, bà Trương Thị Lệ Khanh còn lọt vào danh sách “Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam” của Tạp chí Forbes Việt Nam. Trước đó bà cũng từng góp mặt trong danh sách này vào năm 2016.
Ngoài ông Trần Đình Long và bà Trương Thị Lệ Khanh, một đại gia tuổi Sửu 1961 khác có thể kể đến là ông Nguyễn Hùng Minh – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Ông Minh gia nhập Thaco từ năm 1997 với vị trí Kế toán trưởng. Từ 1/7/2003 – 30/4/2007, ông công tác ở vị trí Phó Tổng giám đốc của Công ty TNHH Ô tô Trường Hải.
Ông Nguyễn Hùng Minh – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải - Ảnh: Internet. |
Sau khi Thaco chuyển đổi sang mô hình cổ phần, từ 1/5/2007 – 22/4/2013, ông Minh đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Thaco. Giai đoạn 23/4/2013 – 18/4/2018, ông Minh nắm vị trí Tổng Giám đốc nhưng vẫn kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Thaco. Từ ngày 19/4/2018 đến nay, ông Nguyễn Hùng Minh đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Thaco.
Đầu tháng 9/2018, ông Nguyễn Hùng Minh cùng ông Trần Bảo Sơn - một thành viên khác của Thaco, đã tham gia HĐQT HNG. Trước đó, Thaco cùng HAGL đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL để đầu tư vào 2 công ty con là HAGL Agrico và CTCP Phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Land). Theo đó, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% HAGL Agrico (HNG), với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Thông qua công ty con là CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, Thaco sở hữu 65% vốn của HAGL Land với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2019, ông Hùng Minh đã từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT HNG. Dù vậy, ông hiện tại vẫn đang sở hữu 5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỷ lệ 0,45%.
Những doanh nhân tuổi Quý Sửu 1973
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH TNI Corporation (Trung Nguyên International) – chủ sở hữu chuỗi cửa hàng King Coffee. Bà cũng là người đồng sáng lập, đồng sở hữu Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Năm 2020, bà Diệp Thảo được đề cử làm Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa).
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Tổng giám đốc Công ty TNHH TNI Corporation - Ảnh: Internet. |
Vào năm 2006, bà được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, trực tiếp điều hành toàn bộ hệ thống Trung Nguyên. Tuy nhiên, tháng 4/2015 biến cố ập đến, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ bị bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực tại Trung Nguyên.
Sau khi bị tước quyền điều hành tại Trung Nguyên và sau nhiều lần không thể tìm gặp và đối thoại trực tiếp với chồng, tháng 10/2015 bà Lê Hoàng Diệp Thảo đệ đơn ly hôn lên tòa án.
Đến cuối tháng 3/2019, Toà án Nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm, chấp thuận họ ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi các con, ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.
Về việc tranh chấp tài sản, tòa xác định, tổng cộng ông Vũ bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỷ đồng tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa tuyên ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40%.
Sau ly hôn, bà Thảo có trong tay khối tài sản “khổng lồ” gồm bất động sản, tiền, vàng, ngoại tệ… có tổng giá trị khoảng 3.749 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã vượt qua nhiều doanh nhân lớn trên thị trường chứng khoán và chỉ đứng sau 3 nữ doanh nhân trong “top nữ” giàu nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết, vụ ly hôn của vợ chồng chủ hãng cà phê Trung Nguyên đã trải qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, song quyết định chưa thực sự thuyết phục và đang bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị.
Mặt khác, đến ngày 20/7/2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có đơn kiến nghị về quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Công ty TNHH MTV TNI đang do bà Thảo điều hành.
Hiện việc tranh chấp quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee” giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn chưa có hồi kết. Các cơ quan vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan vấn đề này.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số doanh nhân tuổi Quý Sửu khác, đó là ông Trần Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Ông Tâm tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học UBIS, Thụy Sĩ và có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
ông Trần Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) - Ảnh: Internet. |
Ông Tâm bắt đầu công tác tại Nam A Bank từ năm 2003 và làm Phó tổng giám đốc Nam A Bank từ tháng 2/2008. Tháng 3/2015, ông Tâm thôi nhiệm ở Nam A Bank để tham gia danh sách ứng cử vào HĐQT Eximbank. Kế hoạch không thành, ông Tâm lại trở về Nam A Bank và tiếp tục giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc và lên làm Tổng giám đốc vào tháng 3/2018.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh (TMG). Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ông có bằng Thạc sỹ Kinh tế, ngoài ra ông thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga.
Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh (TMG) - Ảnh: Internet. |
Hiện tại, ngoài TMG, ông Kiên còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB), Hội đồng tư vấn du lịch Huế, Uỷ viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), thành viên HĐQT Công ty TNHH Institute of Directors Việt Nam (VIOD), nguyên thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng Á Châu (ACB), VPBank, Vinaland.
Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG). Theo tìm hiểu, giai đoạn 1998 – 2003, ông Doanh là Giám đốc bán hàng khu vực miền Nam tại Cty TNHH LaVie; giai đoạn 2003 – 2007 là Giám đốc bán hàng toàn quốc tại Công ty TNHH URC Việt Nam. Từ 2007- 05/2014, ông là Phó Tổng Giám đốc CTCP Thế Giới Di Động.
Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động - Ảnh: Internet. |
Ông Doanh từng chịu trách nhiệm phát triển chuỗi Thegioididong.com, Điện Máy Xanh và là người đứng đầu trong kế hoạch tăng trưởng cho chuỗi Bách Hoá Xanh với vị trí Tổng giám đốc CTCP Thương mại Bách hóa Xanh. Ông bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc MWG vào tháng 3/2019.
Tác giả: Tả Phù
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư