Trong nước

6 tháng áp dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ 'lột xác'?

Nếu chính quyền khẩn trương thực hiện áp dụng cơ chế đặc thù, 6 tháng tới 1 năm, bộ mặt TP.HCM sẽ có những thay đổi rõ rệt.

VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) sau khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Phóng viên: Thưa ông, để cơ chế đặc thù triển khai thành công trong thực tế, TP.HCM cần có biện pháp cụ thể thế nào?

PGS TS Võ Văn Sen: TP.HCM có vị trí, vai trò quan trọng rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước, khi đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia, 21% tổng sản phẩm nội địa. Là đầu tàu phát triển của khu vực phía Nam và cả nước.

PGS TS Võ Văn Sen. Ảnh Văn Bình

Với quy mô đô thị hơn 10 triệu dân, phát triển nóng, hiện mô hình chính sách quản lý đối với đô thị TP.HCM rõ ràng là bất cập, như người ta nói “chiếc áo cơ chế đã quá chật”.

Việc Quốc hội cho phép TP.HCM được thực hiện 4 nhóm cơ chế đặc thù là cơ hội không thể tốt hơn để phát triển.

Cái quan trọng là TP.HCM phải có một chương trình cụ thể. Lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND phải sớm thông qua một chương trình tổng thể về việc triển khai nghị quyết.

Ngày 15/1/2018, Nghị quyết về 4 nhóm cơ chế đặc thù có hiệu lực, như vậy TP còn hơn 1 tháng nữa, nên cần hết sức khẩn trương. Những cái nào cần phải luật hóa, nghị quyết hóa, từ vấn đề quỹ đất, đầu tư, thuế đặc biệt, phân bổ ngân sách, cải cách tiền lương, bán tài sản, ủy quyền cho chủ tịch các quận huyện…thì phải cụ thể.

Nếu lãnh đạo TP khẩn trương thực hiện, chỉ sau 6 tháng tới 1 năm, bộ mặt TP.HCM sẽ có những thay đổi rõ rệt.

Bên cạnh những giải pháp đặt ra cần con người thực tài để vận hành, theo ông chính sách đãi ngộ cần thay đổi thế nào để hút được nhân tài?

Để TP.HCM phát triển thì cần đầu tư mạnh mẽ vào con người. TP thông minh không chỉ cần máy móc, phương tiện thông minh mà cần con người thông minh. Con người thông minh cộng với máy móc thông minh thì sẽ có TP thông minh.

Con người thông minh, trước hết là đội ngũ cán bộ, đội ngũ chuyên viên nhà nước phải thông minh. Đây chính là cái lõi của vấn đề.

Cơ chế đặc thù là cơ hội cho TP.HCM bứt phá

Điều quan trọng nhất là TP phải có đội ngũ chất xám, chuyên gia, những người có trí tuệ để làm ra đề tài hay, dự án tốt, điều này được các công ty tư nhân áp dụng từ lâu.

Khi có tiền đầu tư, sẽ kích thích được chất xám của nhân lực phù hợp với thời đại, phù hợp với TP thông minh.

Còn với cơ sở hạ tầng, có cơ sở hạ tầng khoa học kỹ thuật, đó là hệ thống trường lớp, phòng thí nghiệm thì TP thì phải đầu tư. TP nên chú ý chăm sóc tới những vấn đề kích thích, đòn bẩy. Khi nhấn vào đó sẽ thúc đẩy những cái khác phát triển.

Nếu TP cứ vận dụng tư tưởng bình quân chủ nghĩa (chia đều) vào chính sách đặc thù thì sẽ tiếp tục sa lầy vào vết xe cũ. Đó là chỉ có bình quân cao hơn thôi, chứ không có gì là nhảy vọt, kích thích làm ra nhiều sản phẩm hơn, GDP của TP cao hơn.

Theo quan sát của ông thì tiền lương - thưởng của người lao động trên địa bàn TP đã được sử dụng hiệu quả? Nếu chưa thì cần thay đổi thế nào?

Ở các công ty tư nhân, lương người lao động đã theo thị trường, còn khu vực nhà nước đương nhiên phải tăng. Hiện lương TP trả cho nhân viên còn thấp, đây là cơ hội tốt để nâng lương.

Chuyện sử dụng chi cho thu nhập bình quân tăng lên, TP quyết định nhưng cần phải chú ý ban đầu thì phải có trọng tâm, trọng điểm, để khuyến khích người lao động, để có cái mới, sáng tạo, chứ không bình quân đầu người.

Tuy nhiên việc tăng lên bao nhiêu cũng không đủ, tăng hơn 2 - 3 lần so với địa phương khác cũng không phải là vấn đề. Cái chính là biết dùng ngân sách đó để kích thích sáng tạo, phấn đấu cho người lao động.

Ông có đưa nhận định, nếu bộ phận lãnh đạo TP khẩn trương thực hiện, sau 6 tháng tới 1 năm, bộ mặt TP.HCM sẽ có những thay đổi. Điều này ông đưa ra dựa vào những cơ sở thực tế nào?

Bây giờ TP cần tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng lại không có. Với nghị quyết về cơ chế đặc thù cho phép TP có tiền. TP có thể thu những khoản đặc biệt, ví dụ như ở TP tiêu thụ bia, rượu tây (rượu đắt tiền), thuốc lá rất nhiều, có thể đánh thuế những sản phẩm này cao hơn những nơi khác, vì TP có quyền.

Hay việc hút thuốc lá nơi công cộng, vệ sinh bừa bãi sẽ bị phạt nặng hơn nơi khác. Nói chung TP được quyền thu phí nhưng hợp lý, giống như những TP khác trên thế giới đã áp dụng.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ vì khó khăn vốn

Việc thi công tuyến metro gặp khó khăn do vốn ODA chưa giải ngân kịp, hay những dự án khác không có tiền, việc áp dụng cơ chế đặc thù thì trong vòng mấy tháng sẽ giúp TP có ngân sách để giải quyết.

Tất cả những khoản thu thêm vào sẽ giúp TP đầu tư cơ sở hạ tầng. Mỗi cơ sở hạ tầng thay đổi đã giúp TP đổi khác rồi.

Có nhiều dự án trường học, bệnh viện kéo dài năm này qua năm khác, vừa không có tiền làm, vừa không được quyết định, lại đợi ý kiến cấp trên, ngán ngẩm vô cùng. Điều đó trái lại với quy luật thời hiện đại, trái với một TP hiện đại.

Ngày xưa TP phải chờ đợi xin phép, dẫn tới chậm, mất thời cơ, không sinh lợi được. Cái hao hụt, thua lỗ do chậm về thời gian, không thể tính ra tiền nhưng biết mất rất nhiều thứ. Việc xử lý chậm chạp làm mất đi tiềm lực phát triển của TP ghê gớm lắm.

Đây là cơ hội hiếm hoi cho TP phát triển. Nếu tháng 1 năm sau mà lãnh đạo TP có kế hoạch cụ thể áp dụng nghị quyết về cơ chế đặc thù thì tháng 8, tháng 9, bộ mặt TP ở mọi phương diện, từ văn hóa, xã hội, y tế, hạ tầng…sẽ thay đổi tức khắc.

Với những phân tích ông đưa ra, thực hiện cơ chế đặc thù không những đưa TP chủ động, sáng tạo, trách nhiệm - mà chất lượng sống của lao động, công chức viên chức cũng được nâng lên?

Chính xác. Nhà nước là nhân tố chủ quan thượng tầng kiến trúc tác động lên toàn xã hội. Với TP.HCM trước đây vướng nhiều quá, từ thủ tục, luật lệ, quy tắc chung của cả nước vốn không thích hợp, bởi đây là TP công nghiệp, TP hiện đại, mà bị gò bó trong khuôn khổ chung, như trói tay, trói chân, không làm gì được. Cái khổ là chúng ta tự trói chúng ta.

Nay khi ta cho TP có nhiều quyền, điều kiện tự do hơn, để làm nhanh hơn thì chắc chắn sẽ phát triển.

TP phát triển, đời sống người dân cũng sẽ nâng lên. Các đề tài nghiên cứu, các dự án trước đây đầu tư 5 đồng không thực tế thì nay đầu tư 30 đồng thì chất lượng sẽ khác hơn, từ nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân sẽ thay đổi.

Như vậy ngay từ bây giờ, việc đầu tiên theo ông lãnh đạo TP phải làm ngay là gì?

Đó là tính toán đến kế hoạch, lộ trình và nhanh chóng vạch ra hướng đi.

Nghị quyết của Quốc hội đã cho đề bài rồi, bây giờ TP phải giải đề bài đó ra, tính toàn quyền đó thế nào, sử dụng ra làm sao. Kế hoạch càng chi tiết thì hành động càng chính xác.

Ngày 15/1/2018, nghị quyết Quốc hội có hiệu lực, nên bây giờ chuẩn bị 1 loạt những những quy định, quy chế, những cái gì cần thiết mà hội đồng sẽ lấy ý kiến. Ngày họp HĐND thì họp và quyết luôn. Lúc đó TP sẽ có 1 loạt những quy định có tính chất pháp lý để triển khai.

Bây giờ trung ương cho xây nhà, cho đất, cho giấy phép rồi đó, thì phải làm ngay thiết kế bản vẽ thì mới thi công được.

Trong thời gian ngắn, TP phải có nhiều bước, lộ trình đàng hoàng, triển khai nghị quyết càng ngày càng sâu, càng ngày càng cụ thể, chắc chắn. Cái nào dễ làm trước, cái nào sâu thì có đề án đàng hoàng làm sau, cái phức tạp cần tỉ mỉ, chính xác thì phải nghiên cứu.

Tôi tin mỗi lần họp HĐND sẽ thông qua những quyết sách mới.

Việc có cơ chế chính sách đặc thù là thời cơ nhảy vọt cho TP.HCM. Nếu TP phát triển nhanh, mạnh thì có lợi cho đất nước, đưa đất nước phát triển. Đất nước chỉ có lời chứ không lỗ. Có đóng góp cho đất nước nhiều hơn. TP là máy động lực, cứ đổ xăng cho nó nhiều thì nó kéo cả đất nước đi lên.

Xin cám ơn ông !

Tác giả: Thạch Quý

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP