Thế giới

4.000 cảnh sát bảo vệ phiên tòa tuyên án bà Yingluck

Cảnh sát Thái Lan cho hay hơn 4.000 cảnh sát sẽ được điều động tới bảo vệ phiên tòa tuyên án cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại Tòa án Tối cao hôm 25-8.

Theo The Star, vào ngày 25-8 tới, Tòa án Tối cao Thái Lan sẽ ra phán quyết cuối cùng liên quan tới vụ án trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỉ USD cho chính phủ do cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra khởi xướng.

Bà Yingluck bị cáo buộc sao lãng nhiệm vụ trong quản lý, giám sát chương trình trợ giá gạo này dẫn đến thất thoát hàng tỉ USD cho chính phủ. Nếu bị kết án, cựu Thủ tướng có thể đối mặt với án tù 10 năm và bị cấm tham gia hoạt động chính trị cả đời theo hiến pháp mới được chính quyền quân đội soạn thảo.

Hàng ngàn người ủng hộ dự kiến sẽ tụ tập bên ngoài tòa án ở phía Bắc Bangkok để nghe phán quyết cuối cùng của tòa bất chấp chính quyền cấm người dân tụ tập.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đối mặt án tù 10 năm nếu bị kết án. Ảnh: The Star

Thiếu tá Panurat Lakboon, phó Cục trưởng cảnh sát Bangkok, cho biết dự kiến có khoảng 3.000 người biểu tình kéo đến phiên tòa. “Cảnh sát sẽ triển khai lực lượng chống bạo động để đảm bảo an ninh… con số tổng cộng sẽ là 4.000 người” – ông Panurat khẳng định. Những người ủng hộ sẽ không được phép “tiến vào phiên tòa” và chỉ có thể tụ tập gần đó.

Về bà Yingluck, ông Norawit Lalaen – một luật sư của cựu Thủ tướng cho hay: “Cựu Thủ tướng đã sẵn sàng cho phiên tòa vào 25-8. Các luật sư bào chữa cho bà cũng đã sẵn sàng”.

Khi được hỏi tinh thần của bà Yingluck lúc này thế nào, ông Norawit cho biết tinh thần nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan rất tốt khi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, theo Bangkok Post.

Những người ủng hộ bà Yingluck. Ảnh: The Nation

Theo vị luật sư, phán quyết đối với bà Yingluck sẽ được tuyên vào chiều ngày 25-8 (giờ địa phương) bởi vào ngày đó, tòa phải tuyên một vụ án khác cũng liên quan tới vụ mua bán gạo liên quan tới chính phủ. Cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom cùng một số người khác là bị đơn trong vụ án này.

Một chuyên gia chính trị Thái Lan thuộc ĐH Naresuan, ông Paul Chambers nhận định với AFP rằng: “Mặc dù phán quyết đối với bà Yingluck có thể làm chấm dứt sự tham gia hoạt động chính trị ở Thái Lan của bà, song phán quyết này lại lôi kéo những người ủng hộ nhà Shinawatra cùng nhau chống lại chính quyền quân đội”.

Theo chính sách trợ giá lúa gạo được bà Yingluck thực hiện, chính phủ đã trả giá lúa gạo cho nông dân cao gần gấp đôi giá thị trường. Chính sách này được những người dân ở nông thôn ủng hộ nhưng đồng thời cũng đưa đến những cáo buộc về tình trạng tham nhũng quy mô lớn. Chính sách này cũng khiến Thái Lan bị tồn đọng gạo với số lượng lớn.

Trong những phiên xét xử trước, bà Yingluck nói rằng chương trình được thực hiện với ý tốt nhằm hỗ trợ những người nghèo. Bà cũng nói mình chỉ là nạn nhân của “một trò chơi chính trị tinh vi”.

Tác giả: THÁI LAI

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP