Xã hội

4 thuyền trưởng ở Indonesia quyết tuyệt thực, phản đối tới cùng

Các thuyền trưởng bị bắt tại Indonesia quyết tâm tuyệt thực để phản đối quyết định quá vô lý và bất công của tòa án Ranai, Indonesia.

Ngày 13-12, ngày đầu tiên bốn thuyền trưởng tàu cá Kiên Giang là Lưu Văn Lý, Hứa Minh Trung, Lê Thanh Thiện và Lê Thanh Thừa tuyên bố tuyệt thực phản đối phán quyết vô lý và oan ức của tòa án Ranai, tỉnh Natuna (Indonesia).

Suốt buổi sáng và trưa 13-12 họ không ra ngoài sân trại tạm giam Viện công tố tỉnh Natuna sinh hoạt như thường lệ.

Uống nước cầm hơi

Đến 17h25 ngày 13-12, chúng tôi gặp bốn thuyền trưởng. Các anh cho biết từ sáng đến giờ cũng hơi mệt do chỉ uống nước cầm hơi.

Nhóm anh em thuyền trưởng người VN khác thường ăn chung với các anh đã rất ngạc nhiên không hiểu vì sao 4 người không dùng bữa như thường lệ.

Từ trái sang phải thuyền trưởng Lê Thanh Thiện, Hứa Minh Trung, Lê Thanh Thừa và Lưu Văn Lý bên ngoài trại tạm giam Viện công tố tỉnh Natuna, chiều 13-12 - Ảnh: LÊ NAM

Thuyền trưởng Lưu Văn Lý cho biết ông thông báo cho mọi người cả nhóm đã quyết định tuyệt thực để phản đối quyết định quá vô lý và bất công của tòa án Ranai.

"Mọi người tỏ ra lo lắng cho chúng tôi nhưng chúng tôi oan mà, sao bắt chúng tôi đi tù khi tụi tui đánh cá trong biển VN" - thuyền trưởng Hứa Minh Trung kể lại.

Các anh em đồng hương dù lo lắng đến tình trạng sức khỏe của bốn anh em nhóm này nhưng rất ủng hộ tinh thần quyết liệt của bốn thuyền trưởng tàu cá Kiên Giang.

Chúng tôi quyết định sẽ tuyệt thực đến khi gặp được đại diện đại sứ quán VN. Chúng tôi chỉ hợp tác với phía Indonesia và ra tòa trừ khi có sự hiện diện của Đại sứ quán VN. Không có đại diện đại sứ quán VN không có ai đi đâu hết."

Thuyền trưởng Lưu Văn Lý

"Họ bắt chúng tôi quá vô lý vì tụi tui đánh bắt cá trên vùng biển VN. Nếu nói tụi tui bắt cá trong biển của họ thì họ phải đưa dữ liệu GPS ra để đối chứng, đưa nhân chứng đối chất tại tòa, còn không chúng tôi cũng không ra tòa".

Tọa độ sai lệch

Thuyền trưởng tàu KG 93895TS Hứa Minh Trung khẳng định ông bị tàu chấp pháp của Indonesia rượt đuổi và vây bắt khi đang khai thác tại tọa độ 06031’00’’ Bắc - 106020’00’’ Đông thuộc vùng biển VN.

Bốn thuyền trưởng trao đổi với luật sư Hà Hải (bìa phải), người đại diện theo ủy quyền của các chủ tàu cá trước khi thuyền trưởng Hứa Minh Trung và Cao Văn Hoàng ra tòa nghe phán quyết - Ảnh: LÊ NAM

Sau khi bị vây bắt, tất cả thuyền viên của tàu bị nhốt xuống hầm và một người Indonesia được trang bị vũ khí lái tàu của Trung đến tọa độ 06031’303’’Bắc - 106023’668’’ Đông và lập biên bản ghi nhận tàu của Trung đã khai thác tại tọa độ 06031’303’’Bắc - 106023’668’’ Đông.

"Vì tọa độ sai lệch nên tui không đồng ý ký vào biên bản. Họ uy hiếp đến tính mạng, buộc tui phải ký vào biên bản tiếng nước ngoài rồi kéo tui về giam giữ tại đảo Natuna".

Về đến đảo qua người phiên dịch Trung mới biết biên bản mà anh buộc phải ký là cái cớ buộc tội anh nên anh liên tục kháng cáo, kêu oan.

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung, bìa phải, đang thảo luận với luật sư Christoper (giữa) và phiên dịch ngay trong phòng xử án ở tòa án Ranai, tỉnh Natuna, để tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp cao hơn - Ảnh: LÊ NAM

Suốt tám tháng bị phía Indonesia bắt, Trung chưa được nhìn hình ảnh những người trong gia đình. Mấy tháng gần đây, Trung đã chủ động tìm cơ hội để kiếm tiền để vợ đỡ phải gửi sang nuôi.

Anh "hối lộ" để xin bảo vệ của trại tạm giam Viện công tố tỉnh Natuna cho ra ngoài mua nước ngọt về ướp rồi bán lại cho nhân viên Viện công tố, anh em thuyền trưởng với giá phải chăng. Trung cũng tranh thủ nhặt và để dành các vỏ chai nhựa, lon nhôm để tiếp bán ve chai.

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung rơi nước mắt sau khi xem xong clip ghi lại hình ảnh của gia đình do phóng viên báo Tuổi Trẻ cung cấp - Ảnh: LÊ NAM

Ngày hôm trước chúng tôi đưa cho thuyền trưởng Hứa Minh Trung đoạn phim mà chúng tôi đã ghi lại khi đến thăm cha của tại đảo hòn Tre, tỉnh Kiên Giang hôm 5-12.

Đó là cảnh sinh hoạt của ông Hứa Văn Kia, 87 tuổi cha ruột của Trung cùng vợ Mai Thị Huệ đang bế đứa con gái út hơn 18 tháng tuổi. Trung xem mà mắt cứ đỏ hoe.

Suốt tám tháng bị phía Indonesia Trung chưa có cơ hội liên lạc bằng hình với gia đình.

Trả điện thoại lại cho chúng tôi Trung quẹt tay chùi nước mắt rồi nghèn ngào: "Con bé út giờ lớn nhanh quá, lúc em đi nó sắp thôi nôi….".

Trước đó, lúc 12h ngày 13-4, năm tàu cá của tỉnh Kiên Giang được cấp phép khai thác ở vùng khơi biển VN tại khu vực cách đông nam Hòn Khoai, Cà Mau 148 - 155 hải lý thì bị lực lượng vũ trang của Indonesia rượt đuổi, vây bắt và cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Cả năm thuyền trưởng đều không thừa nhận cáo trạng của Viện Công tố tỉnh Natuna, Indonesia và kháng cáo.

Họ có đơn kêu cứu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Indonesia điều tra, xác định lại tọa độ các tàu cá trước và tại thời điểm bị bắt.

Thời gian các thuyền truyền bị bắt giam, gia đình các thuyền trưởng phải vay mượn tiền tiền để gửi sang giúp các anh sinh hoạt. Tuy nhiên tổng số tiền từ nhà ở VN gửi sang Natuna cho các thuyền trưởng đều bị trừ ít nhất 30% giá trị.

"10 triệu đồng VN nếu đổi sang tiền rupiah được khoảng 6 triệu nhưng thực tế số tiền này sang tới Natuna chỉ còn khoảng hơn 4 triệu rupiah thôi" - thuyền trưởng Trung cho biết.

Đại sứ quán VN tại Indonesia đã bốn lần gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Indonesia, Tòa án tối cao Indonesia và tòa án cấp vùng Ranai đề nghị nếu không có đủ bằng chứng buộc tội thì phải sớm thả người và tàu về VN.

Tác giả: Lê Nam

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP