Du lịch

4 món Việt siêu nặng mùi, vừa ăn vừa nhắm mắt bịt mũi mà vẫn được 'vạn người mê'

Những nguyên liệu nấu nướng đặc trưng nên những món ăn dưới đây đều rất nặng mùi và thậm chí có những món không phải ai cũng dám nếm thử.

1. Nậm Pịa

Ảnh minh họa

Nậm Pịa chỉ có ở vùng núi phía Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La và là món ăn rất được yêu thích của người dân tộc Thái từ nhiều năm nay. Nguyên liệu chính là tiết đông, đuôi, dạ dày, cuống tim, ruột non của bò hoặc dê được nấu sền sệt.

Vì nấu với nội tạng nên món này có mùi khá khó ngửi. Nậm pịa thành phẩm có sắc nâu, sền sệt, được ăn kèm với rau chuối, bạc hà nhưng không dễ ăn chút nào. Tuy vậy, dù bạn có yếu bụng đến đâu cũng sẽ không hề hấn gì khi thử món này. Ăn thử miếng đầu tiên chỉ thấy vị đắng và mùi hương khá khó ngửi lan tỏa, nhưng ăn lâu lại thấy vị ngọt ngào sau vị đắng.

2. Bún cua thối

nh minh họa

Dù là một đặc sản nổi tiếng của Pleiku, nhưng thực sự đây là món nặng mùi và không dễ ăn với đại đa số người lần đầu tiên nếm thử. Lý do bởi nước lèo của món bún này là nước cua đồng ủ qua một ngày đêm rồi mới mang nấu.

Vì đã ủ và lên men nên nước dùng của bún cua thối có màu đen đặc trưng và nặng mùi đến độ cách nồi nước dùng mấy nhà vẫn ngửi thấy.

Một tô bún cua thối đơn giản chỉ là một nắm bún nhỏ, ít măng, chan xâm xấp nước dùng cua, rồi thêm tóp mỡ hành phi, da heo khô. Dọn kèm bún sẽ là rau sống và trứng vịt om trong nồi nước dùng nếu bạn có nhu cầu. Khi ăn, bạn nêm chanh, ớt, trộn đều cùng rau sống rồi thưởng thức.

Khi ăn xong tô bún, mùi cua vẫn còn lưu lại trong khoang miệng. Thế nên bún cua thối chính là món ăn gây nhiều tranh cãi, người không chịu được mùi sẽ khó mà ăn được. Nhưng nếu ăn được, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, cay cay rất riêng. Thậm chí chính thứ nước dùng nặng mùi, đậm đà đó đã gây nghiện cho nhiều người.

3. Bún mắm miền Tây

Ảnh minh họa

Nước lèo được nấu từ mắm cá linh hoặc mắm cá sặc nên đậm đà và có hương vị, nếu chưa ăn bao giờ, mùi mắm hơi nồng của nó khi bắt đầu bạn sẽ có chút e dè. Tuy vậy món ăn đặc trưng của người miền Tây này lại có vị rất riêng.

Nguyên liệu của tô bún mắm cực đa dạng và chất lượng với tôm, thịt, mực, thịt cá, chả, cà tím, kèo nèo và không thể thiếu rau sống.

Cách ăn là cứ một đũa bún thì một đũa rau. Sau đó húp một muỗng nước lèo thơm mùi mắm nhẹ thoang thoảng. Nếu ăn được cay, cho thêm chút ớt vào tô bún thì món này càng ngon và dễ nghiện hơn. Món ăn này hấp dẫn từ sợi bún trắng trong, tròn tròn, mềm; và ngon hơn nữa nhờ nước lèo, chất mắm, nguyên liệu thơm ngon, đậm chất.

4. Lẩu mắm

Ảnh minh họa

Cũng là một đặc sản miền Tây có thành phần chính là mắm nên việc lẩu mắm miền Tây nặng mùi thực ra cũng dễ hiểu thôi.

Linh hồn của lẩu mắm chính là cá sặc, cá linh được nấu rồi lọc nên rất mùi mắm rất đặc trưng. Đi ăn lẩu mắm, bạn hãy xác định rằng thế nào mình cũng phải ngửi mùi nồng nàn của mắm, nhưng nếu không thế, đâu còn là ăn lẩu mắm nữa.

Nguyên liệu để nấu lẩu mắm rất đa dạng với đủ thịt ba rọi, cá viên, đậu hũ, mực ống, cá kèo, khứa cá và đặc biệt là lươn. Đi kèm đó là đến vài chục loại rau, trong đó có rất nhiều loại rau đặc trưng của miền Tây như bông lục bình, kèo nèo, rau mác, đọt choại, cải trời, dây bình bát, rau trai, rau đắng, rau dừa, bông điên điển…

Tác giả: Rachel Phạm (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP