Gần đây, giới đầu tư đã bắt đầu quen với cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo như là một ứng cử viên số 1 cho danh hiệu tỷ phú USD nữ đầu tiên của Việt Nam. Doanh nhân này chủ hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam VietJet Air.
Cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet lên sàn hôm 28/2 và tăng nhanh từ mức giá tham chiếu 90 ngàn đồng lên hơn 130 ngàn đồng/cp. Với mức giá này, VietJetAir có vốn hóa hơn 1,7 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (47 tuổi) trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 33% cổ phiếu do vậy có tài sản lên tới 570 triệu USD. Với khối tài sản này, bà Thảo trở thành người phụ nữ đầu tiên top 3 người giàu nhất Việt Nam và cũng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên thực tế, bà Thảo còn giàu hơn thế và có thể đã ngấp nghé ngưỡng tài sản tỷ USD. Theo Bloomberg, bà sẽ trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và hiện còn nắm trong tay một lượng lớn cổ phiếu tại HDBank và Sovico Holding.
Trước đó, trong năm 2016, giới đầu tư đã chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có về số lượng người giàu xuất hiện mới trên TTCK. Bảng xếp hạng người giàu trên TTCK đã đổi ngôi liên tục, đẩy những gương mặt giàu nhất nhì một thời như Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm, Đặng Văn Thành,... xuống sâu, trong khi những gương mặt trẻ nổi lên với một vài tỷ USD.
Thay cho lớp tỷ phú Việt đời đầu với tài sản hiện chỉ vài ba ngàn tỷ đồng, lớp tỷ phú mới giờ đây có ông Phạm Nhật Vượng (49 tuổi) với tài sản khoảng 1,4 tỷ USD. Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm 2016 hàng chục người siêu giàu đã xuất hiện, trong đó TTCK có thêm 2 tỷ phú USD là ông Trịnh Văn Quyết (42 tuổi) và ông Bùi Nhơn Thành.
Còn theo báo cáo mới đây của Công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới Knight Frank - Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report 2017), số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tăng vọt so với năm trước đó và được dự báo còn tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới trong thập kỷ tới.
Theo đó, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu, tăng 32 người so với báo cáo năm trước đó và tăng 50 người so với năm 2014. Điều đáng chú ý là, tốc độ tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 170%, thuộc top nhanh nhất thế giới, cao hơn cả tốc độ 150% của Ấn Độ và 140% của Trung Quốc.
Theo định nghĩa của Knight Frank, người siêu giàu là người sở hữu tài sản từ 30 triệu USD. Trong số 200 người siêu giàu tại Việt Nam, có một người sở hữu khối tài sản trị giá trên một tỷ USD. Cũng theo Knight Frank, trong vòng 1 thập kỷ tới Việt Nam sẽ có 540 người siêu.
Nữ lên ngôi, trẻ vượt già
Có thể thấy, số lượng người siêu giàu ở Việt Nam tăng rất nhanh trong vài năm gần đây và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh. Số lượng phụ nữ giàu có cũng tăng vọt. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ đầu tiên lọt top 3 người giàu nhất trên TTCK.
Trước đó, hồi cuối 2016, vợ ông Trịnh Văn Quyết - bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng đã lọt top 10 người giàu nhất trên TTCK. Một loạt các “bà vợ sếp” cũng đang sở hữu tài sản hàng ngàn tỷ đồng trên TTCK như: bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng (5.500 tỷ đồng); bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT Hòa Phát (2.600 tỷ đồng); bà Nguyễn Hoàng Yến - vợ ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (1.700 tỷ đồng),...
Trong số những người siêu giàu trên sàn, số lượng người trẻ chiếm phần lớn. Trong 100 người giàu nhất, số người dưới 60 tuổi chiếm 94%. Số người dưới 50 tuổi chiếm suýt soát 50%. Trong đó, người giàu nhất là ông Trịnh Văn Quyết mới có 42 tuổi. Ông Phạm Nhật Vượng cũng mới 49 tuổi.
Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tăng vọt chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp lớn vừa qua ồ ạt lên sàn, cả các DNNN cổ phần hóa trong nhiều năm trước đó và các doanh nghiệp tư nhân.
Sắp tới, sau một loạt doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco,.. tới Petrolimex (PLX) bán vốn cổ phần nhà nước, thì số lượng người siêu giàu Việt được dự báo sẽ còn tăng mạnh.
Ông Bùi Tiến Đức, chuyên viên tư vấn đầu tư của VnDirect Securities, cho rằng, triển vọng TTCK năm nay rất tốt. Tất nhiên, khi thị trường tươi sáng và nhiều doanh nghiệp mới tiếp tục lên sàn, tài sản của nhiều người sẽ tiếp tục gia tăng. Số lượng người siêu giàu Việt sẽ nhiều lên nhanh chóng.
Theo ông Đức, TTCK giờ đây đã thực chất hơn, trình độ nhà đầu tư cao lên rất nhiều. Họ đầu tư có chọn lọc và tìm hiểu kỹ hơn. Do vậy, sẽ khó có các cổ phiếu ảo. Điều đó có nghĩa là nhiều người siêu giàu trên TTCK là thực chất.
Mặc dù vậy, ông Đức cho rằng, vẫn còn một số cổ phiếu tăng giảm giá không theo thị trường. Cổ phiếu bị kiểm soát tỷ lệ freefloat (cổ phiếu tự do chuyển nhượng), có thể tăng lên mức giá nào cũng được.
Một số lượng lớn những người siêu giàu Việt làm giàu từ đất đai. Tài năng kinh doanh thực sự có thể chưa nhiều, nổi bật có lẽ mới chỉ có gương mặt mới nổi Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đức Tài (Thế giới di động), và các gương mặt kỳ cựu trước đó: Trần Đình Long, Trương Thị Lệ Khanh, Nguyễn Đăng Quang,...
Tác giả bài viết: H. Tú
Nguồn tin: