Tin địa phương

3 khu công nghiệp gần 14.000 tỷ ở Đà Nẵng vẫn chưa tìm được chủ

Dù có 8 nhà đầu tư tham gia dự sơ tuyển 3 khu công nghiệp ở Đà Nẵng, tuy nhiên, sau nhiều lần đánh giá, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn, kết quả sơ tuyển không có nhà đầu tư nào đủ điều kiện tham gia đấu thầu tiếp theo.

Liên quan đến tiến độ kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư đối với 3 khu công nghiệp mới gồm: khu công nghiệp Hòa Ninh, khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2) và khu công nghiệp Hòa Nhơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, sau khi UBND TP. Đà Nẵng ban hành các quyết định về việc phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư vào 3 khu công nghiệp mới, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tiến hành mở thầu sơ tuyển theo quy định. Tại thời điểm đóng thầu, có 8 nhà đầu tư tham gia dự sơ tuyển, gồm một nhà đầu tư quốc tế và 7 nhà đầu tư trong nước.

“Dù 8 nhà đầu tư quan tâm đều là những nhà đầu tư rất có năng lực và có kinh nghiệm đầu tư nhiều khu công nghiệp lớn trong nước cũng như ở nước ngoài. Tuy nhiên, các khung tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư 16/2016/TT-BKHĐT rất khó đạt được cả về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Sau nhiều lần đánh giá, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn, kết quả sơ tuyển không có nhà đầu tư nào đủ điều kiện tham gia đấu thầu tiếp theo”, ông Hồ Kỳ Minh cho hay.

Do đó, UBND TP. Đà Nẵng sẽ ban hành Quyết định hủy thầu và tổ chức thực hiện lại theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các khung tiêu chí thực hiện theo Nghị định số 25 cũng rất khó đạt được. Vì vậy, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế.

Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Trước đó, Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã có thông báo mời sơ tuyển 3 dự án khu công nghiệp cùng nằm tại huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng với tổng chi phí thực hiện gần 14.000 tỷ đồng. Cả 3 dự án này đều được sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Theo đó, dự án thứ nhất sơ tuyển nhà đầu tư là khu công nghiệp Hoà Ninh tại xã Hoà Ninh, huyện Hòa Vang có diện tích hơn 400ha, tổng chi phí thực hiện dự án hơn 6.083 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng).

Dự án thứ hai là khu công nghiệp Hoà Nhơn tại xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang có diện tích 360ha, tổng chi phí làm dự án 5.657 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.500 tỷ đồng).

Thứ ba là dự án khu công nghiệp Hoà Cầm - Giai đoạn 2 tại phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang. Dự án có diện tích 120ha, tổng chi phí thực hiện hơn 2.232 tỷ đồng.

Tính đến nay, TP. Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 6 khu công nghiệp tập trung, bao gồm: khu công nghiệp Đà Nẵng, khu công nghiệp Hòa Cầm, khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, khu công nghiệp Liên Chiểu và khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với quy mô tổng thể là 1.030,9ha, trong đó diện tích hạ tầng đã xây dựng là 944,66ha. Tỷ lệ lấp đầy là 85% với 593,09ha đất đã cho thuê.

Ngoài ra, cũng liên quan đến tiến độ thực hiện công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng và tình hình đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 1) và khu công nghiệp Liên Chiểu dự kiến hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong quý I/2021; cụm công nghiệp Cẩm Lệ dự kiến sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong tháng 12/2020, tổ chức đấu thầu và khởi công xây dựng dự án trong tháng 1/2021, đến giữa năm 2022 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, cụm công nghiệp Hoà Nhơn dự kiến đến cuối tháng 12/2020 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, năm 2021 hoàn thành việc kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công; dự kiến trong quý I/2021 sẽ bố trí doanh nghiệp vào cụm công nghiệp Cẩm Lệ sau khi hoàn thành phân kỳ 1.

Về nguyên nhân chậm tiến độ một số dự án, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, một phần do công tác quy hoạch hiện nay chưa đồng bộ, nhiều dự án chưa nằm trong quy hoạch chung hiện hành, dẫn đến việc lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 cho các dự án phải xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, hoặc chờ quy hoạch chung tổng thể của thành phố được phê duyệt.

Bên cạnh đó, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất tương đối kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ triển khai; hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư còn chồng chéo và chưa thống nhất nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

“Một trong những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến các dự án là hoàn chỉnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trên cơ sở Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp có thẩm quyền ban hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với Quy hoạch chung; phê duyệt Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết làm cơ sở xác định các dự án, vị trí đất cần kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển cho thành phố”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh nêu rõ.

Tác giả: Thành Vân

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP