Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng cả ba anh em ông Hàn Tấu Quang (SN 1950), bà Hàn Nguyệt Lý (SN 1956) và ông Hàn Tuấn Quang (SN 1965) hiện chưa có quốc tịch Việt Nam (VN). Họ sinh ra, lớn lên tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam từ đó đến nay và luôn mong muốn được công nhận là công dân VN nhưng chưa được.
Khó khăn trăm bề
Tiếp chúng tôi, bà Lý kể ba anh em bà sinh ra và lớn lên tại TP Tam Kỳ cùng cha là ông Hàn Chúc Nguyên (SN 1918) có quốc tịch Trung Hoa-Đài Bắc. Mẹ là bà Tạ Thị Bửu (SN 1918) có quốc tịch được ghi là “Việt gốc Hoa”. Trước đây, vì một số lý do khách quan nên cha mẹ bà đã ghi khai sinh cho cả ba anh em bà là quốc tịch Trung Hoa-Đài Loan. Hiện gia đình bà Lý sinh sống tại số nhà 148 Phan Đình Phùng, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ.
Bà Lý thông tin: “Trước kia ba anh em tôi có giấy chứng nhận thường trú dài hạn tại số 148 Phan Đình Phùng nhưng kể từ khi Quảng Nam-Đà Nẵng tách tỉnh thì quy định giấy phép thường trú chỉ có thời hạn sáu tháng. Giờ cứ sáu tháng một, chúng tôi lại phải đi gia hạn thường trú. Cán bộ có tư vấn chúng tôi xin nhập tịch VN để khỏi mất công và được hưởng đầy đủ quyền lợi. Chúng tôi có đi làm mấy lần nhưng đến giờ vẫn chưa được…”.
Không có quốc tịch VN, cuộc sống của anh em bà Lý gặp khó khăn trăm bề. Ông Quang (anh bà Lý) rầu rĩ: “Mọi vấn đề liên quan đến giấy tờ tùy thân và pháp luật đều bất tiện. Nhà tôi đang ở do con trai đứng tên sở hữu, tôi không được mua bảo hiểm, không có hộ khẩu, không được học bằng lái xe..”.
Cũng theo ông Quang kể, trước kia ba anh em ông có được cấp hộ khẩu nhưng sau này cơ quan chức năng đã xóa tên khỏi sổ hộ khẩu tại số nhà 148 Phan Đình Phùng. Hiện nay ba anh em ông cũng không ai có giấy chứng minh nhân dân. Họ cũng không thể mua bảo hiểm y tế, mỗi khi đi khám chữa bệnh đều phải trả viện phí như với người nước ngoài.
|
Ba anh em bà Hàn Nguyệt Lý luôn mong mỏi có quốc tịch Việt Nam. Ảnh: THANH NHẬT |
Luôn mong mỏi có quốc tịch
Bà Lý từng mang hồ sơ đến Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam làm thủ tục xin nhập tịch VN nhưng đã năm năm mỏi mòn chờ đợi đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
Cụ thể, năm 2013, tiếp nhận yêu cầu, phía Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam yêu cầu bà phải thôi quốc tịch Trung Hoa-Đài Loan thì mới có thể trình hồ sơ cho Bộ Tư pháp xin cấp quốc tịch VN.
Theo hướng dẫn, bà Lý đến Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM để xin thôi quốc tịch Trung Hoa-Đài Loan. Ấy thế, cơ quan này có giấy xác nhận gửi cơ quan chức năng ghi: “Qua kiểm tra hồ sơ, bà Hàn Nguyệt Lý chưa đến Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc làm thủ tục nhập quốc tịch Đài Loan và xin làm hộ chiếu Đài Loan”.
Theo bà Lý, như vậy là cơ quan này không thể cho bà thôi quốc tịch Trung Hoa-Đài Loan như yêu cầu của mình. Cạnh đó, quốc tịch Trung Hoa-Đài Loan của anh em bà được ghi trong giấy khai sinh trước kia cũng không hợp lệ. Bởi thời điểm đó cha mẹ bà đã không làm thủ tục khai báo, nhập quốc tịch cho anh em bà với các cơ quan chức năng của Đài Loan. Do vậy, dù giấy khai sinh ghi có quốc tịch nhưng thực tế ba anh em không có cả quốc tịch Đài Loan, tức là người không quốc tịch.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Kim Phụng (Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam) xác nhận trường hợp của chị em bà Lý đang gặp vướng mắc.
Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh đã gửi hồ sơ ra Bộ Tư pháp và bị trả lại do không đủ điều kiện để Bộ trình Chủ tịch nước cấp quốc tịch VN. Vấn đề nan giải hiện nay là bà Lý không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đang mang quốc tịch Trung Hoa-Đài Loan. Nó đồng nghĩa với việc muốn thôi quốc tịch này là không thể, trong khi giấy khai sinh thì vẫn ghi là có quốc tịch
Trung Hoa-Đài Loan.
Chỉ Chủ tịch nước mới có thể xét đặc cách Theo bà Trần Thị Kim Phụng (Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam), với trường hợp của anh em bà Lý, chỉ có thể xét đặc cách để nhập quốc tịch VN nhưng thẩm quyền này thuộc về Chủ tịch nước. Sở Tư pháp sẽ tiếp tục trình theo hướng này để giúp anh em bà Lý có quốc tịch VN. Trước mắt anh em bà Lý cứ đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn thường trú theo quy định. Sở Tư pháp sẽ phối hợp với công an để làm hồ sơ của ba anh em bà một cách thống nhất về thông tin quốc tịch. Sau đó, Sở sẽ gửi tiếp hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục xem xét, tháo gỡ vướng mắc.
|
Tác giả: THANH NHẬT - LÊ PHI
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM