Tin địa phương

21,9 triệu USD vốn FDI 'chảy' vào Đà Nẵng

Trong 5 tháng đầu năm 2024, vốn FDI "chảy" vào Đà Nẵng tăng trưởng tích cực, đạt 21,9 triệu USD, tăng 12,26% so với cùng kỳ.

Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 5 tháng năm 2024, địa phương tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án mới.

Cụ thể, vốn FDI "chảy" vào Đà Nẵng đạt 21,9 triệu USD (tăng 12,26% so với cùng kỳ). Trong đó, thành phố đã cấp mới 27 dự án với vốn đăng ký là 22,789 triệu USD, bên cạnh đó, có 11 dự án với tổng vốn giảm 1,036 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 1.012 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,3 tỷ USD; 40.859 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 258.212 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, TP. Đà Nẵng đã thu hút nhiều dự án FDI mới. Ảnh: Nguyễn Tri.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2024, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án ngoài các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC), khu công nghệ thông tin (CNTT) với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng (giảm 58% với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, có 3 dự án cấp mới quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 7.604 tỷ đồng; 3 dự án điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, vốn tăng thêm hơn 6.313 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong KCN, khu CNC, khu CNTT, TP. Đà Nẵng đã thu hút 2 dự án trong nước với vốn đầu tư 810 tỷ đồng; 3 lượt dự án trong nước tăng vốn là hơn 717 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 377 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN, khu CNC, khu CNTT với tổng vốn đầu tư là 210.817 tỷ đồng và 399 dự án trong KCN, khu CNC, khu CNTT với vốn 34.458 tỷ đồng.

Cũng theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, đến nay, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.582 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 5.166 tỷ đồng (giảm 3% về số doanh nghiệp và giảm 23,2% về số vốn so với cùng kỳ).

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương với 1.020 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc); tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ.

"Ông lớn" logistics Hà Lan tìm hiểu đầu tư vào Cảng Liên Chiểu

Mới đây, Công ty Verbrugge International B.V. (Hà Lan) đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội đầu tư vào dự án Cảng Liên Chiểu.

Ông Marinus Jan Verbrugge, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Verbrugge International B.V. cho biết, doanh nghiệp là nhà đầu tư chuyên vận hành bến cảng cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu tại Hà Lan với công suất khoảng 10 triệu tấn hàng tổng hợp hàng năm. Tổng diện tích vận hành của doanh nghiệp rộng hơn 210ha, với nhà kho hiện đại 700.000m2.

Công ty Verbrugge International B.V. còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ khắp BeNeLux và Châu Âu với hơn 400 xe tải và 700 xe moóc, đáp ứng đa dạng các loại hàng hóa bao gồm hàng rời, hàng tổng hợp và dịch vụ chuyển dịch năng lượng xanh.

Dự án Cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) với tổng diện tích 450ha. Ảnh: Nguyễn Tri

Ông Marinus Jan Verbrugge nhận thấy, dự án trọng điểm Cảng Liên Chiểu là một cơ hội đầu tư lớn cho doanh nghiệp đa dạng hóa môi trường đầu tư của mình.

Với năng lực tài chính vững chắc, Verbrugge International B.V. đảm bảo sẽ tạo thuận lợi cho sự kết nối sâu rộng trong ngành logistics giữa hai bên; góp phần mở rộng hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu về sau. Chưa hết, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực khác mà TP. Đà Nẵng đang chú trọng.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mạnh, bảo đảm xây dựng cảng này trở thành cảng trung chuyển quốc tế, sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics có thương hiệu về Cảng Liên Chiểu nhằm hình thành một trung tâm cảng biển, logistics của cả nước, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển.

Đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics của miền Trung, cả nước.

Tác giả: NGUYỄN TRI

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP