Kinh tế

2 triệu đồng một cây đào thất thốn, khách không buồn mặc cả

Hầu hết khách hàng sau khi nghe dân buôn phát giá 1,7-2 triệu đồng/gốc đào thất thốn đều quay lưng, không buồn mặc cả.

Hội chợ xuân Đinh Dậu 2017 ở vị trí đắc địa gần sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Theo ghi nhận, hội chợ năm nay hội tụ nhiều gian hàng hoa kiểng, chủ yếu là đào, quất, mai, bonsai, chậu thanh long cảnh. Ngoài ra còn có đồ gỗ và hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết. Đối tượng đến hội chợ vào thời điểm này chủ yếu là sinh viên, dân văn phòng. Đa số tới đây để vãn cảnh, “check-in” không khí Tết thay vì mua sắm.

Dân buôn ôm chăn ngủ

Chị Huyền, người bán chậu mai cảnh ở đây, thừa nhận giờ chưa phải là cao điểm của đợt mua sắm Tết.

“Những ngày này tôi cứ kệ khách vãn cảnh, ôm chăn ngủ, không buồn chào mời vì tôi nghĩ họ đi khảo giá, ngắm nghía là chính chứ chưa thực sự muốn mua hàng”, chị nói.

Đào thất thốn bị chê xấu mã, giá chát. Ảnh: Kiều Vui.
Nếu như năm ngoái, tại triển lãm cây cảnh nghệ thuật và hoa ở Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), một chậu đào thất thốn 16 năm tuổi được khách trả 150 triệu đồng nhưng chủ nhân chưa bán, thì năm nay tại hội chợ này, loại đào trên lại bị thất sủng.

Chị Thu, người bán đào tha thiết chào mời: “Không phải cứ to là đẹp. Loại đào nhỏ xinh này rất nổi tiếng, có xuất xứ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) nên giá một vài triệu đồng/cây là rẻ.

Ở Lý Nam Đế người ta còn bán rẻ nhất cũng phải 3 triệu đồng/gốc. Loại đào này vào ban đêm hoa tỏa hương thơm thoang thoảng mà giống đào thường không có được”.

Nhưng sau khi bị một vị khách truy nguồn gốc thực sự, chị Thu phải thừa nhận chúng được trồng ở Lạng Sơn chứ không phải Hà Nội.

“Do mất phí vận chuyển, lại kỳ công chăm sóc nên giá thành đội lên hơi cao một chút”, chị Thu nói.

Nghe dân buôn phát giá, nhiều khách không buồn mặc cả. Ông Nguyễn Văn Vĩnh (Ba Đình, Hà Nội) đánh giá: “Cây đào nhỏ xíu, thấp, ít hoa, ít chồi, lá mà giá lại đắt gấp 3-4 lần các loại đào khác thì thà mua cành đào rừng giá 200.000 đồng còn hơn”.

Chưa Tết đào đã nở rộ khiến dân buôn lo sốt vó. Ảnh: Kiều Vui.
Trong khi đó, những người bán thanh long cảnh dù cam kết “không thuốc bảo quản” nhưng do mẫu mã không có nhiều đột phá nên cũng ít người hỏi mua loại cây này.

Lo sốt vó vì đào nở sớm, đặc sản không người mua

Anh Vinh, người buôn đào ở hội chợ, lo sốt vó vì năm nay đào nở sớm.

“Thời tiết thất thường khiến đào nở sớm. Đã thế người mua thì ít, người chen nhau chụp ảnh thì nhiều. Tôi chỉ lo trông coi sao cho họ không làm rụng hết hoa, chẳng có thời gian chào mời khách”, anh Vinh than thở.

Tại hội chợ năm nay, những loại đặc sản vùng cao, bưởi Diễn của quận Nam Từ Liêm không còn hút khách như mong đợi.

Chị Thơm, người bán bưởi Diễn ở hội chợ, thừa nhận thực tế khách thường mua bưởi Diễn tại vườn từ trước Tết thay vì ra hội chợ mua.

“Doanh thu chẳng được mấy đâu, vừa bán vừa giới thiệu sản phẩm là chính. Nghe nói chủ gian hàng sẽ nhập thêm miến Điện Biên, nấm Sơn La…về bán để bù lỗ”, chị nói.

Bà Nguyễn Thị Duyên (Cầu Giấy) chia sẻ bà đã dạo quanh hội chợ mà không mua được gì.

“Quần áo thì đồ Trung Quốc, giày dép đại hạ giá nhưng chất lượng kém, mẫu mã xấu. Nhiều loại quảng cáo là đặc sản như mứt thì không có tem, hạn sử dụng. Còn đào, quất mua bây giờ hơi sớm”, bà nói thêm.

Nhiều chủ buôn cho hay họ chờ tới ngày 28 tháng Chạp, thời điểm người lao động được nghỉ Tết, để mạnh tay mua sắm hơn.

Tác giả bài viết: Kiều Vui

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP