Tin địa phương

160 năm trận chiến lẫy lừng

Ngày 30/8 tới, tại Khu di tích Nghĩa Trủng (Đà Nẵng), Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân TP Đà Nẵng sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 160 năm quân và dân Đà Nẵng khai hỏa phát súng thần công đầu tiên mở đầu cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp trên cả nước (1/9/1858 – 1/9/2018).

Hiện trạng tường thành Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải hiện nay. Ảnh: Thanh Tùng

Tiếng vọng oai hùng

Theo ThS. Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng: Đà Nẵng là một vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế của nước ta. Ngay từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã nhận thấy vai trò của Đà Nẵng: “Bến Đà Nẵng rộng, tàu Tây dễ đậu, lại có núi bao bọc, không có sóng gió nên dễ neo tàu. Người Tây bấy lâu nay họ thường đậu tàu lại, không kể phép tắc triều đình. Hơn nữa, Đà Nẵng gần đường quốc lộ, gần làng mạc, gần kinh thành, Đà Nẵng là then chốt của nước ta, cho nên người Tây muốn chiếm lấy”. Việc các vua nhà Nguyễn không ngừng xây dựng, củng cố hai Thành Điện Hải và An Hải là minh chứng cho sự trọng yếu này.

Trận chiến mở đầu năm Mậu Ngọ 1858, kéo dài đến năm 1860 chống lại “đại bác, tàu đồng” của phương Tây ở Thành Điện Hải là chứng nhân tiêu biểu nhất cho tinh thần bất khuất kiên trung, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của nghĩa binh và nhân dân Đà Nẵng.

Từ sáng sớm ngày 1/9/1858 , Thành Điện Hải bị pháo từ tàu chiến liên quân Pháp – Tây Ban Nha công kích dữ dội. Ngày 2/9/1858, pháo từ tàu chiến ngoài khơi vịnh Đà Nẵng tiếp tục nã vào Điện Hải làm sập góc thành và nổ kho thuốc súng. Sau các đợt nã pháo, binh lính liên quân Pháp – Tây Ban Nha đổ bộ vào cửa Hàn, tấn công, buộc quân binh Nhà Nguyễn phải vừa đánh vừa rút lui nhằm bảo toàn lực lượng.

Tuy chiếm được Thành Điện Hải nhưng binh lính Pháp – Tây Ban Nha luôn ở thế bị bao vây nên buộc phải rút khỏi tòa thành kiên cố

Trong cuộc đối đầu vào ngày 20/4/1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tập trung hỏa lực của từ các tàu chiến, tấn công liên tục và dữ dội vào Thành Điện Hải. Binh lính và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương đã dũng cảm đánh trả quyết liệt nhưng đã phải rút lui để bảo tồn lực lượng. Sau khi chiếm được tòa thành, địch đặt ở đây một đơn vị đồn trú và tăng cường thêm cụm hỏa lực gồm 5 đại bác cỡ 30 ly để ngăn cản sự tái chiếm của quân, dân Đà Nẵng. Dù một lần nữa phải rút khỏi Thành Điện Hải nhưng binh lính nhà Nguyễn và nhân dân Đà Nẵng vẫn kiên cường đắp lũy, xây dựng phòng tuyến, phục binh áp sát thành đánh tiêu hao nhiều sinh lực địch, cản bước tấn công của chúng vào nội địa.

Sau 18 tháng 22 ngày tấn công, liên quân Pháp – Tây Ban Nha vẫn không chiếm được Đà Nẵng, đành phải rút lui khỏi thành Điện Hải. Trước khi rút quân chúng đã phá hủy nhiều đồn lũy của ta, trong đó có thành Điện Hải.

Giữ cho muôn đời

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhìn nhận: Thành Điện Hải có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, góp phần đập tan ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng vào những năm 1858-1860.

Dù có vai trò lịch sử hết sức đặc biệt trong cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc nhưng Thành Điện Hải phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng: Năm 1988 Thành Điện Hải được công nhận là Di tích cấp quốc gia nhưng nhiều đoạn tường, hào rãnh phía Bắc, phía Tây Nam vẫn tiếp tục bị đập phá. Nhà nguyện do người Pháp xây dựng từ năm 1900 cũng bị đập bỏ. Trong vòng 10 năm (từ năm 1988 đến năm 1998), khu vực bảo vệ 1 và 2 của di tích Thành Điện Hải mọc lên các công trình xây dựng kiên cố, quy mô, chiếm diện tích lớn. Đập bỏ hay di dời các công trình này là việc làm… không tưởng!

Đơn cử như tòa nhà Trung tâm hành chính TP cao 37 tầng và cao ốc Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng. Trong khuôn viên Thành Điện Hải hiện nay còn có khối nhà đồ sộ của bảo tàng Đà Nẵng, không liên quan gì đến di tích. Có thể nói Điện Hải không chỉ hứng chịu những loạt đại bác xâm lăng mà còn phải hứng chịu sự hủy hoại không thương tiếc trong gần 4 thập kỷ qua. Từ năm 2016, Sở Văn hóa – Thể thao đã đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại giá trị văn hóa – lịch sử của Thành Điện Hải để có giải pháp quản lý, bảo vệ di tích có một không hai này. Năm 2017, hơn 80 hộ dân sống quanh bờ tường phía Tây của di tích đã được giải tỏa, di dời.

Lãnh đạo TP cũng đã quyết định dừng công trình Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc thành Điện Hải đồng thời phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải. Quá trình phục hồi các yếu tố gốc của Thành Điện Hải được tính toán hết sức kỹ càng, tránh cho di tích bị biến dạng thô thiển và phải trả giá đắt cho tương lai.

Trận chiến mở đầu năm Mậu Ngọ 1858, kéo dài đến năm 1860 chống lại “đại bác, tàu đồng” của phương Tây ở Thành Điện Hải là chứng nhân tiêu biểu nhất cho tinh thần bất khuất kiên trung, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của nghĩa binh và nhân dân Đà Nẵng.

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP