Trong khi rất nhiều nơi vẫn còn tình trạng trường tạm, lớp mượn thì 16 phòng học của Trường Tiểu học & Trung học cơ sở (TH & THCS) Nguyễn Chí Thanh lại phải đóng cửa nằm im lìm. Ngôi trường với hai dãy học khang trang, được đưa vào sử dụng từ năm 2009, nhưng nhiều năm nay phải chịu cảnh “cửa đóng then cài” do không có học sinh đến học.
7h sáng thứ 3, cả trường chỉ có Ban giám hiệu, nhân viên kế toán, văn thư đang làm việc, cùng hai giáo viên giảng bài của hai lớp 8, 9. Tuy nhiên, âm thanh từ hai lớp học ấy không thể xua tan không khí vắng vẻ, ảm đạm đến nặng nề để ngôi trường trở lại huyên náo, sôi nổi như vốn nó từng có.
Một phòng học bỏ không lâu ngày, bên trong phủ dày một lớp bụi |
Qua tìm hiểu, tình trạng thiếu học sinh đã diễn ra từ khoảng năm 2010, tức là từ những năm đầu sau khi thành lập trường. Mặc dù địa phương và nhà trường tích cực tuyên truyền, vận động nhưng số lượng học sinh đến điểm trường chính này ngày một giảm. Năm học 2017-2018, toàn trường có hơn 300 học sinh, nhưng hiện chỉ còn 45 học sinh của hai lớp 8 và lớp 9 đang học tập tại điểm trường chính.
Cả điểm trường chính chỉ còn hai lớp học với 45 học sinh |
Theo lãnh đạo trường TH &THCS Nguyễn Chí Thanh, nguyên nhân trường ít học sinh không liên quan đến chất lượng dạy học mà vì trường học quá xa khu dân cư, cách từ 7 km -20 km. Các em chủ yếu đi học bằng xe đạp, đường đến trường lại đèo dốc nên nhiều em không đủ sức khỏe.
“Những năm trước, khi có xe buýt, mỗi tháng các em phải đóng từ 200.000 - 300.000 đồng. Đây là số tiền khá lớn so với điều kiện khó khăn chung của người dân địa phương nhưng nhiều gia đình vẫn đóng góp để các em được đến trường thuận tiện hơn. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, lượng học sinh đi học ngày càng ít, chiếc xe buýt này cũng dừng hoạt động.
Học sinh đến trường phải có phụ huynh đưa đi đón về. Nhưng thời gian đưa đón các em ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của nhiều gia đình nên dần dần phụ huynh không cho các em đến điểm trường chính học nữa”, một giáo viên ở đây cho hay.
Để tránh lãng phí, một dãy nhà được chuyển cho Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song |
Thầy Trần Đăng Quân, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay tại điểm trường chính chỉ còn hai lớp học, phần lớn học sinh của trường đang theo học tại các điểm trường phụ. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng nữa thì hai lớp ở đây cũng chuyển về điểm trường phụ để học vì đầu năm học, phụ huynh không đồng ý cho con em họ đi học quá xa”.
“Sau khi hai lớp học cuối cùng chuyển đi, điểm trường chính chỉ còn văn phòng và phòng của ban giám hiệu. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho quá trình dạy học và quản lý của nhà trường”, thầy Quân cho biết thêm.
Được biết, trước tình trạng nhiều phòng học bị bỏ không, một phần diện tích Trường TH&THCS Nguyễn Chí Thanh đã được tận dụng để Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn phòng học cũng trong tình trạng khóa kín cửa. Hàng ngày chỉ có vài nhân viên của trường đến làm công tác văn phòng.
Tuy nhiên, phần lớn các phòng học ở đây cũng đóng kín cửa |
Một nhân viên của trung tâm này cho biết: “Với mong muốn “kéo” được người vào đây nên Trung tâm được bố trí giảng dạy tại những phòng học của trường Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, học viên của trung tâm cũng rất ít khi vào đây vì đã mượn được cơ sở ở ngoài trung tâm huyện”.
Khu nhà bán trú cho học sinh được chuyển thành nhà công vụ và phòng cho bảo vệ |
Ngôi trường 3 cấp học, với hai dãy nhà khang trang hiện chỉ có 45 học sinh |
Ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song cho biết, việc quy hoạch xây dựng trường có từ trước năm 2006, khi xã Đắk Hòa chuẩn bị tách ra từ xã Đắk Mol nhưng khi đó, số lượng học sinh ít hơn quy mô của nhà trường rất nhiều.
“Phải khẳng định rằng cơ sở vật chất của điểm trường chính đảm bảo cho các học sinh theo học. Tuy nhiên trước thực tế nhiều phụ huynh không cho con em đến học ở điểm trường hoặc gửi sang xã khác để học, chính quyền địa phương đã quy hoạch và xây dựng hai phòng học tại thôn Tân Bình 1 để các em học sinh thuận tiện đến trường”, ông Nhất cho hay.
Tác giả: Dương Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí