Thể thao

10 sự kiện bóng đá Việt Nam nổi bật năm 2016

Một năm với rất nhiều biến động của bóng đá nội. Điểm nổi bật nhất dĩ nhiên là những chiếc vé dự VCK World Cup của đội tuyển U19 và đội tuyển futsal. Dù vậy, vẫn còn đó nỗi buồn với thất bại của đội tuyển bóng đá quốc gia tại AFF Cup.

1. Đội tuyển U19 Việt Nam giành vé vào VCK World Cup U20. Lần đầu tiên trong lịch sử, một đội bóng sân cỏ của Việt Nam vào VCK giải vô địch thế giới. Chiến tích của đoàn quân trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn càng được chú ý, bởi lứa tuổi U20 chính là ngưỡng cửa của hàng loạt anh tài toàn cầu chuẩn bị gia nhập bóng đá đỉnh cao. Giải U20 thế giới qua nhiều giai đoạn cũng là giải đấu đánh dấu sự thăng tiến của hàng loạt ngôi sao chói lọi sau này, như Maradona, Messi (Argentina), Rui Costa, Figo (Bồ Đào Nha), Davor Suker (Croatia)...
U19 Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử bằng vé vào VCK World Cup U20
2. Đội tuyển futsal Việt Nam vào vòng knock-out World Cup futsal 2016. Trước khi đội tuyển U19 Việt Nam giành quyền vào VCK World Cup U20, đội tuyển futsal Việt Nam trở thành đội bóng đầu tiên của nước ta (không kể sân) đến với giải vô địch thế giới. Rồi ở giải vô địch thế giới vào năm nay, đội tuyển futsal Việt Nam tiếp tục gây tiếng vang bằng chiến thắng trước Guatemala – đấy cũng là trận thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam tại VCK World Cup. Sau đấy, đội bóng của HLV Bruno Garcia lại đi tiếp vào vòng 1/8, lại một cột mốc lịch sử khác.
Đội tuyển futsal Việt Nam giành quyền vào vòng knock-out World Cup futsal 2016
3. Đội tuyển Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016. Đặt mục tiêu vào chung kết, nhưng rốt cuộc đội tuyển Việt Nam chỉ có thể qua nổi vòng bảng. Thất bại ở đây không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về mặt phong cách. Với 2 thẻ đỏ và 4 thẻ vàng chỉ sau 5 trận, đội tuyển Việt Nam trở thành một trong những đội bóng nhận nhiều thẻ nhất giải. Đặc biệt, không đội bóng nào tại Đông Nam Á nhận nhiều thẻ đỏ như đội bóng của chúng ta, kể cả 2 đội tuyển vốn nổi tiếng đá rắn nhất nhì khu vực nhiều năm qua là Indonesia và Malaysia.
Đội tuyển Việt Nam thất bại ở AFF Cup 2016
4. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thua Thái Lan trong trận chung kết giải Đông Nam Á. Sau khi vượt qua đội bóng đất Chùa Vàng tại vòng loại Olympic năm ngoái, các cô gái của chúng ta lại bị chính đối thủ qua mặt ở sân chơi khu vực trong năm nay. Dẫu thất bại của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết là thất bại gây nhiều tranh cãi, với màn đá luân lưu mà ngay đến các trọng tài cũng chưa có sự thống nhất ngay từ đầu. Dù vậy, rốt cuộc thì trọng tài không sai luật và đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chỉ về nhì. Nhưng dẫu sao các cô gái Việt Nam vẫn cực kỳ đáng khen về mặt phong cách và về lối chơi, khác hẳn với các đồng nghiệp nam cũng tại giải khu vực.

5. Đội tuyển quốc gia quay trở lại với việc sử dụng HLV nội. Sự kiện diễn ra đầu năm, khi HLV Nguyễn Hữu Thắng thay thế HLV Miura nắm đội tuyển quốc gia từ đầu tháng 3, đánh dấu cho việc sử dụng trở lại HLV nội của đội tuyển. Dù vậy, điều đáng lưu ý là chưa có HLV nội nào thành công ở cấp độ đội tuyển U23 trở lên (từ các ông Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc cho đến Nguyễn Văn Sỹ), và bản thân HLV Nguyễn Hữu Thắng trong năm 2016 cũng không phải là ngoại lệ.

HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn chưa thành công với đội tuyển quốc gia
6. Lê Công Vinh tuyên bố giải nghệ. Đấy là lời chia tay không chỉ của riêng Công Vinh, mà còn của cả thế hệ vàng từng mang ngôi vô địch AFF Cup 2008 về cho bóng đá Việt Nam. Sau khi Công Vinh và Thành Lương rút lui khỏi đội tuyển, riêng Công Vinh giải nghệ, không còn cầu thủ nào từng nâng cao ngôi vô địch Đông Nam Á cách nay 8 năm còn ở lại đội tuyển quốc gia. Với Công Vinh, sau lời chia tay của danh thủ này, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thấy ai ổn định như anh.
Với Công Vinh (9), những hình ảnh này chỉ còn là kỷ niệm
7. Hà Nội T&T vô địch V-League. Ngôi vô địch lần thứ 3 của đội bóng thủ đô có phần dễ dàng hơn 2 lần trước, không phải do họ mạnh hơn các năm trước đây, mà chủ yếu là vì các đối thủ của họ không thật mặn mà với ngôi vương. Đội mạnh nhất bóng đá nội về lý thuyết là B.Bình Dương kỳ thực không thiết tha vô địch ngay từ đầu, Thanh Hoá, Than Quảng Ninh hay Hải Phòng chỉ cố gắng nửa vời. Đặc biệt là ở giai đoạn then chốt nhất của mùa giải, những đội vừa nêu lại sa sút rất đáng tiếc. Đấy cũng là đặc điểm chung của giải trong nước: Thiếu tính cạnh tranh dẫn đến kém sức hút với khán giả.

8. TPHCM bảo vệ thành công ngôi vô địch bóng đá nữ. Đội bóng nữ thành phố chưa phải là đội mạnh nhất, nếu như không muốn nói vẫn còn một số khiếm khuyết, trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, nhưng họ là đội bóng chơi hợp lý nhất. Ngôi vô địch của TPHCM cũng là nỗi thất vọng của bóng đá nữ Hà Nội. Năm thứ 2 liên tiếp, đội bóng có thực lực mạnh nhất nước không thể vươn đến thành tích cao nhất.

9. Bất cập trong hệ thống thi đấu ở giải quốc nội. Bất chấp việc đã bước sang tuổi 17, giải V-League vẫn có quá nhiều tồn đọng, và không giống một giải chuyên nghiệp đúng nghĩa. Nổi cộm nhất vẫn là vấn nạn trọng tài và sự thiếu ổn định trong cấu trúc bóng đá nội. Về cấu trúc của giải trong nước, vẫn là câu chuyện cũ hạng trên nhiều đội hơn hạng dưới, trong khi ở giải hạng Nhất năm sau, đã có 2 đội tuyên bố giải tán, đó là Đồng Nai và Phú Yên, khiến giải hạng Nhất hiện chỉ còn số đội bằng một nửa so với V-League (7 so với 14).

V-League không có sức hút với khán giả
10. Bê bối trong môn bóng đá nam Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. 2 đội bóng bị loại vì vi phạm điều lệ giải là Quảng Ngãi và SL Nghệ An vì gian lận cầu thủ, để rồi TPHCM lên ngôi vô địch khối THPT. Những vụ vi phạm điều lệ này một lần nữa phản ánh nhiều nơi không xem Hội khỏe Phù Đổng là nơi để tìm kiếm tài năng, mà ngược lại dùng những cầu thủ có đẳng cấp quay trở lại cạnh tranh thành tích ở sân chơi về lý thuyết là dành cho học sinh.

Tác giả bài viết: Ban thể thao

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP