Xe

'Sờ gáy' nhiều thương hiệu xe siêu sang

Nhiều thương hiệu ô tô sang trọng bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Còn Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (thuộc Tổng cục Hải quan) vừa bị tạm đình chỉ để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong thi hành nhiệm vụ...

15aa POAN
Đây là lần thứ 3, Công ty Euro Auto bị cơ quan chức năng ra quyết định điều tra.

Ngày 26/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ, Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn xác nhận thông tin trên với Tiền Phong. Theo đó, vào ngày 14/12, TCHQ đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (thuộc TCHQ) trong thời gian 15 ngày kể từ ngày 14/12.

Vì sao cục trưởng bị đình chỉ?

Mục đích để tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong thi hành nhiệm vụ công vụ kiểm tra sau thông quan tại Cty CP ô tô Âu Châu (Euro Auto, số 808 Đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM, nhà nhập khẩu và phân phối chính thức xe BMW tại Việt Nam). Hiện những vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân có liên quan đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, làm rõ. Về thông tin Euro Auto bị khởi tố, TCHQ cho biết đã chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC), còn việc khởi tố hay chưa, TCHQ chưa nắm được thông tin.

Trước đó, ngày 30/11, Bộ Tài chính có công văn hỏa tốc yêu cầu TCHQ tạm dừng thông quan các lô hàng nhập khẩu xe ô tô BMW, đồng thời làm việc cụ thể với VKSNDTC để xem xét khởi tố vụ án đối với những hành vi sai phạm của Euro Auto theo quy định.



Như vậy, tính đến nay đã có một số công ty nhập khẩu và phân phối chính hãng các thương hiệu xe sang tại Việt Nam bị hải quan “sờ gáy”, như: Cty Tân Thành Đô, đơn vị phân phối xe chính hãng 4 thương hiệu gồm Land Rover, Jaguar, Maserati và Volkswagen tại Việt Nam; Euro Auto…

Rolls-Royce Việt Nam tiếp tục khiếu nại

Đối với trường hợp của Cty Regal, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, đã kiểm tra sau thông quan và phát hiện một số sai phạm như không khai báo khoản giảm giá tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan đối với 19 chiếc xe Rolls- Royce, khai thiếu khoản phải cộng, khai báo sai mã số hàng hóa đối với phụ tùng xe ô tô tại 40 tờ khai hải quan. Từ các cơ sở trên, cơ quan hải quan đã bác bỏ trị giá giao dịch của Cty Regal và truy thu số tiền thuế chênh lệch gần 50 tỷ đồng. Ngày 13/12, Cty Regal đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hành vi khai thiếu khoản phải cộng và khoản khai sai mã số hàng nhập khẩu. Riêng đối với hành vi không khai báo giảm giá, doanh nghiệp đang khiếu nại.

Theo ông Đoàn Hiếu Minh, đại diện Cty Regal, đơn vị đã cung cấp nhiều tài liệu pháp lý liên quan để xác thực với Cục Hải quan Hải Phòng, trong đó có bản sao văn bản của nhà sản xuất Rolls-Royce Motor Cars Limited (RRMC), hợp đồng đại lý, báo giá chi phí vận chuyển đường biển, giấy chứng nhận bảo hiểm... Đáng chú ý, xác nhận của RRMC đã nêu rõ Cty Regal là nhà nhập khẩu và phân phối không độc quyền của các xe ô tô mang thương hiệu Rolls-Royce của RRMC tại Việt Nam, việc hải quan coi khoản giá xe được RRMC bán cho công ty thấp hơn 14% so với giá bán lẻ khuyến nghị mà nhà sản xuất công bố trên cổng thông tin trực tuyến (khoản chiết khấu, phải cộng vào trị giá hải quan) là không thỏa đáng, không thực tế.

Ngoài ra, nhà sản xuất cũng xác nhận: “Chính sách giá và hỗ trợ này cũng được áp dụng cho các nhà nhập khẩu được ủy quyền khác của Rolls-Royce Motor Cars ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Campuchia, Malaysia, Singapore hay Thái Lan”.

Theo ông Minh, ngày 27/12, công ty sẽ tiếp tục làm việc với Cục Hải quan Hải Phòng để giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Tính đến nay đã có một số công ty nhập khẩu và phân phối chính hãng các thương hiệu xe sang tại Việt Nam bị hải quan “sờ gáy”, như: Cty Tân Thành Đô, đơn vị phân phối xe chính hãng 4 thương hiệu gồm Land Rover, Jaguar, Maserati và Volkswagen tại Việt Nam; Euro Auto…

Tác giả bài viết: Tuấn Nguyễn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP