Nhân ái

Xót xa số phận bé gái bị mẹ đẻ bỏ rơi lại mồ côi mẹ nuôi

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đáng lẽ em Trần Thị Như Thắm (sinh năm 2013) phải được bao bọc, chở che trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Vậy mà số phận nghiệt ngã khiến cô bé 7 tuổi mồ côi từ thuở lọt lòng tiếp tục phải chịu đựng nỗi đau chồng chất khi mất mẹ nuôi, bố nuôi cũng lâm bệnh nặng và mất hoàn toàn sức lao động.

Mẹ ruột “vứt bỏ” ven đường, mẹ nuôi mất khi vừa lên 7

Theo chỉ dẫn của người dân, PV ĐS&PL tìm đến căn nhà nhỏ nơi anh Phạm Văn Lượng và em Trần Thị Như Thắm sinh sống. Căn nhà đơn sơ nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ tại thôn 7, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Xung quanh nhà cây cối um tùm, cánh cửa gỗ đóng chặt không một tiếng động khiến chúng tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng và u ám nơi đây.

Căn phòng xập xệ rộng chừng 20m2 , thứ quý giá nhất có lẽ là bàn học của cô con gái nhỏ vừa được Nhà nước hỗ trợ. Anh Lượng ngồi lặng yên trên giường, khuôn mặt hiện rõ vẻ tiều tuỵ, mệt mỏi. Dường như những cơn đau cùng nỗi nhớ người vợ quá cố ngày đêm giằng xé tâm can khiến anh trông khắc khổ và u sầu. Anh Lượng tâm sự, do đau ốm liên miên nên dù chạy chữa ngược xuôi vợ chồng anh vẫn chẳng có nổi mụn con. Cực chẳng đã họ nhận nuôi một đứa trẻ để căn nhà bớt trống trải.

“Vợ chồng tôi hay tin, có cháu bé được trạm y tế xã Thanh Châu (TP. Phủ Lý, Hà Nam) cứu sống khi bị bỏ rơi bên đường. Lúc đó chúng tôi tìm đến nơi, ngỏ ý muốn được nhận nuôi cháu và được địa phương xác nhận. Bế trên tay người con mà gia đình khao khát bấy lâu tôi xúc động lắm. Cuối cùng, tôi cũng được làm bố”, anh Lượng nghẹn ngào nói.

Nhìn ánh mắt trìu mến, nụ cười hiền hậu của anh Lượng khi nhắc về Thắm, chúng tôi có thể cảm nhận được phần nào tình yêu thương vô bờ của anh dành cho cô con gái nhỏ. Anh tâm sự, từ ngày có Thắm cuộc sống dù vất vả nhưng ngôi nhà của anh lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Sự xuất hiện của thiên thần nhỏ như tia nắng sưởi ấm trái tim cô đơn của đôi vợ chồng hiếm muộn. Hạnh phúc tràn ngập.

Từ khi mẹ mất, 2 cha con nương tựa vào nhau mà sống

Tưởng chừng số phận đã “mỉm cười” và bù đắp cho những phận đời kém may mắn. Thế nhưng, khổ đau và tai họa liên tục ập đến gia đình nhà anh Lượng. Trong một lần đi chợ, chị Vũ bị tai nạn xe máy dẫn đến giập xương và tụ máu não. Vết thương cũ chưa lành hẳn, vết thương mới lại xuất hiện, vài tháng sau chị bị chó cắn cả hai chân, nhiễm trùng nặng khiến chị mất hẳn khả năng đi lại.

Cố nén lại nỗi đau, anh Lượng nghẹn ngào chia sẻ: “Từ khi tai nạn ập đến, cuộc sống gia đình tôi vốn đã khó khăn nay càng khốn đốn. Dù chật vật vay mượn ngược xuôi nhưng vẫn không đủ tiền để chạy chữa, lực bất tòng tâm tôi đành phải đưa vợ về nhà chăm sóc”.

Một buổi sáng, Thắm dậy sớm bón cháo, tiêm thuốc cho mẹ như thường lệ, thấy người mẹ run run, em nhẹ nhàng lấy chiếc chăn đắp rồi đi học. Đứa bé 7 tuổi không biết đây là những khoảnh khắc cuối cùng của em với người mẹ thân yêu. Trưa hôm đó, chị Vũ ra đi không một lời trăng trối để lại nỗi đau khôn nguôi cho người còn sống.

Sau khi vợ mất, sức khoẻ anh Lượng ngày càng suy giảm, biến chứng của tiểu đường khiến anh mắc thêm bệnh xơ gan, men gan cao,... Bệnh tật triền miên, đôi mắt ngày một mờ dần, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai gầy yếu mà anh không thể làm được gì. Mọi chi tiêu sinh hoạt của bố con anh đều phụ thuộc vào số tiền trợ cấp ít ỏi.

“Nếu chỉ còn một mình thì tôi chẳng thiết sống nữa, nhưng nghĩ đến con thơ đã thiếu vắng hơi mẹ, nay lại ngấp nghé nỗi đau mất cha, tôi lại cố gắng gượng để làm chỗ dựa tinh thần cho cháu”, anh Lượng không cầm nổi nước mắt khi nghĩ đến tương lai của Thắm.

Ước mơ thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố

Khi chúng tôi có mặt cũng là lúc bé Thắm chuẩn bị đi học. Tuy vóc dáng nhỏ bé hơn so với các bạn cùng trang lứa nhưng bù lại gương mặt của em toát lên vẻ tinh anh, nhanh nhẹn. Dường như đã quá quen thuộc với công việc thường ngày, tay bé thoăn thoắt gập từng chiếc quần, chiếc áo của hai bố con rồi xếp gọn gàng vào tủ. Xong xuôi mọi việc em mới chuẩn bị quần áo sách vở để đến trường.

Hướng mắt nhìn con gái đang lăng xăng dọn dẹp, anh Lượng chia sẻ: “Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cháu hiểu chuyện lắm, thương bố đau yếu nên cứ mỗi khi có ai cho miếng ngon em đều dành cho bố. Chỉ mới 7 tuổi nhưng một ngày con bé chỉ được ngủ mấy tiếng, 4 – 5h sáng phải dậy đỡ đần bố việc nhà. Lúc trời mưa, trời gió cũng chỉ có hai bố con, tay tôi thì run không tiêm được lại phải phụ thuộc vào cháu", anh Lượng nói trong nước mắt. Được biết, suốt 3 tháng sau khi mẹ nuôi mất, việc hỗ trợ tiêm thuốc cho bố 1 ngày 4 lần em cũng cố gắng làm, dù nó quá khó khăn với một đứa trẻ. Khi nghe anh Lượng kể chúng tôi không khỏi trào dâng nỗi xót xa. Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng em rất chăm học, chịu khó. Cứ mỗi khi làm xong việc nhà, em tự giác học bài mà không bao giờ cần bố nhắc nhở. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Thắm hồn nhiên nói: “Em thương bố vô cùng, em chỉ có một ước mơ duy nhất là sau này lớn lên trở thành bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho bố”.

Tạm biệt bố con anh Lượng để trở về Hà Nội mà trong lòng chúng tôi nặng trĩu. Bên ngoài kia, những cô bé, cậu bé 7 tuổi vẫn hồn nhiên vô lo vô nghĩ, được bố mẹ chăm chút từng miếng cơm, manh áo cho đến từng giấc ngủ. Vậy mà trong căn nhà nhỏ này, cô bé 7 tuổi buộc phải trưởng thành sớm khi vừa đi học, vừa phải quán xuyến hết mọi công việc trong nhà. Nhìn dáng vẻ tiều tuỵ của anh Lượng, chúng tôi tự hỏi tương lai của cô bé ra sao nếu một lần nữa em lại bơ vơ trong cuộc đời này?

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Vũ Anh Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý xác nhận, bé Thắm thuộc diện trường hợp trẻ bị bỏ rơi, được vợ chồng anh Lượng nhận về nuôi. Ông chia sẻ: “Tháng Mười năm ngoái mẹ cháu bị tai biến không thể phục hồi, sau đó thì qua đời, địa phương cũng quyên góp và trích quỹ Vì người nghèo số tiền trị giá 2 triệu đồng để giúp đỡ gia đình. Ngoài ra, địa phương đã hoàn tất thủ tục bảo trợ xã hội đối với trẻ bị bỏ rơi, tổng số tiền trợ cấp hai cha con nhận được là gần 2 triệu đồng/ tháng”.

Tác giả: Phương Ly - Hữu Thắng

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP