Tin địa phương

Vướng mắc trong thi hành các vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Phạm Công Danh

Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng vừa có báo cáo kết quả công tác THADS năm 2020, trong đó có những vướng mắc trong thi hành các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và Phạm Công Danh…

Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước liên quan Vũ “nhôm” khó thi hành án.


Khó thu hồi tài sản theo bản án tuyên

Cụ thể, trong vụ án Vũ “nhôm”, theo nội dung bản án, với sự trợ giúp của 2 bị cáo Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng), Vũ “nhôm” đã thâu tóm hàng loạt dự án, nhà đất công sản với giá rẻ bèo, thu lợi bất chính hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 7 dự án BĐS đã trục lợi ngân sách 19.625 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước gây thiệt hại ngân sách hơn 11.200 tỷ đồng; Dự án khu đô thị Habour Ville đã giúp Vũ “nhôm” trục lợi, gây thiệt hại ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng; Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 mở rộng cũng được giao đất không qua đấu giá, gây thiệt hại cho ngân sách 2.873 tỷ đồng; Dự án Vệt du lịch biển trên đường Hoàng Sa được giao cho Vũ và gây thiệt hại 435 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch biển Non Nước cũng được giao cho Vũ không qua đấu giá, gây thiệt hại ngân sách hơn 1.300 tỷ đồng.

Trong số này, khu đất đường Ngô Quyền (ngay đầu cầu sông Hàn) được giao cho Công ty I.V.C của Vũ “nhôm” trái quy định pháp luật gây thiệt hại ngân sách 150 tỷ đồng. Khu đất rộng 3.264m2 này hiện đã được xây dựng thành Trường mẫu giáo ABC (số 906 Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà). Đáng nói, liên quan đến việc bàn giao lô đất tại đường Ngô Quyền này, do bản án không đề cập đến Trường Mầm non ABC là tài sản trên đất hiện vẫn đang hoạt động, nên khó thi hành án.

Ông Trần Phước Thu, Cục trưởng Cục THADS TP. Đà Nẵng lý giải, qua xem xét, nghiên cứu, tổ chức THA thực tế, Chi cục THADS quận Sơn Trà nhận thấy có các vướng mắc. Thứ nhất, bản án tuyên giao quyền sử dụng khu đất diện tích 3.264m2 cho UBND TP. Đà Nẵng nhưng tại phần tóm tắt nội dung vụ án thể hiện, từ tháng 5/2016, ông Phan Văn Anh Vũ đã cho Công ty TNHH I.V.C thuê khu đất trên với giá 30 triệu đồng/tháng để đầu tư xây dựng và kinh doanh Trường mẫu giáo ABC.

Lệnh kê biên của cơ quan điều tra kê biên toàn bộ số tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Xác minh trên thực tế hiện Trường mẫu giáo ABC đang tọa lạc trên khu đất, hoạt động bình thường, có khoảng 200 học sinh đang học, khoảng 40 cán bộ, giáo viên. Bản án chỉ tuyên giao quyền sử dụng đất mà không đề cập đến việc giải quyết đối với tài sản trên đất, dẫn đến việc không thể tổ chức THA giao đất trên thực tế cho UBND TP. Đà Nẵng được.

Thứ hai, bản án tuyên người có trách nhiệm giao đất gồm Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, Công ty CP Đầu tư và phát triển Chấn Phong (quận 1, TP. HCM), nhưng qua xem xét hiện 2 công ty này không liên quan. Người đứng tên quyền sử dụng đất là ông Phan Văn Anh Vũ, theo lệnh kê biên khu đất, tài sản kê biên được giao cho bà Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1978, vợ ông Vũ) bảo quản cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thực tế, Trường mẫu giáo ABC, thuộc Công ty TNHH I.V.C đầu tư đang quản lý, sử dụng khu đất. Như vậy, bản án không xác định chính xác người phải có trách nhiệm giao tài sản dẫn đến việc tổ chức THA giao tài sản gặp khó khăn vì không xác định được người phải THA.

Thứ ba, ngoài việc tuyên buộc giao đất, bản án còn tuyên giao các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do UBND quận Sơn Trà cấp ngày 12/12/2011 cho ông Vũ. Tuy nhiên, bản án không xác định các giấy chứng nhận nêu trên được giữ tại đâu và ai có trách nhiệm giao. Với 3 nội dung vướng mắc nêu trên, Chi cục THADS quận Sơn Trà không thể giao tài sản cho UBND TP. Đà Nẵng theo nội dung bản án đã tuyên.

Cũng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, hiện Cục THADS thành phố Đà Nẵng đang tổ chức thi hành 2 quyết định THA. Theo Bản án số 20/2020/HSST ngày 13/1/2020 của TAND TP Hà Nội, do Cục THADS TP Hà Nội ủy thác, nội dung THA giao cho UBND TP Đà Nẵng 11 nhà đất và xử lý 28 tài sản đảm bảo để bồi thường thiệt hại cho UBND thành phố số tiền hơn 4.192 tỉ đồng.

Cục THADS đã tiến hành giao quyết định THA cho đương sự và UBND thành phố. Sau khi nhận quyết định THA, ngày 19/10/2020, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có công văn giao cho Sở Tài chính, chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN-MT và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức việc THA thu hồi tài sản.

Tình trạng pháp lý tài sản chưa rõ ràng

Cũng theo lãnh đạo Cục THADS Đà Nẵng, nhiều vụ có giá trị phải THA lớn, rất khó thi hành, có trường hợp số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc về cơ sở pháp lý, liên quan chủ trương, chính sách của Nhà nước, của địa phương, vướng mắc về hiện trạng tài sản, dẫn đến chưa thể xử lý tài sản đảm bảo. Trong trường hợp này phải kể đến vụ Phạm Công Danh liên quan đến xử lý sân vận động Chi Lăng.

Cục trưởng Chi cục THADS TP Đà Nẵng thông tin, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có giá trị phải thi hành gần 3.947 tỉ đồng thi hành theo Bản án số 332/2016/HSST ngày 9/9/2016 của TAND TP.HCM và Bản án số 30/2017/HSPT ngày 24/01/2017 của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Tài sản đảm bảo là khu vực thương mại và dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại 209 Trường Chinh (quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Tuy nhiên, trong các cuộc họp HĐND, nhiều lần ông Trần Phước Thu phân tích, ngoài số tiền gốc, tính cả tiền lãi 4.000 tỷ đồng nữa, phải cần khoảng 8.000 tỷ đồng mới đảm bảo thi hành án vụ án liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Theo vị này, sau khi phối hợp vào cuộc xác minh, Cục THADS TP nhận thấy, đây là tài sản mà tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, mặc dù bản án đã tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.

Tại khu đất này đã được UBND TP Đà Nẵng trước đây phân thành 14 lô và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh 10 lô, còn 4 lô chưa được cấp sổ đỏ và chưa giải tỏa. Việc đền bù cho các hộ dân bàn giao mặt bằng cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh hiện nay chưa hoàn thành. Các hộ dân cũng như trụ sở DN vẫn còn nguyên, vẫn đang hoạt động trên khu đất sân Chi Lăng.

Ngoài ra, các thủ tục về giao đất cho các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh trước đây chưa đảm bảo về mặt thủ tục pháp lý theo quy định của luật. Các bản án chỉ tuyên tiếp tục kê biên tài sản lại không mời người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong đó có UBND TP. Đà Nẵng.

Cũng lời Cục trưởng Cục THADS Đà Nẵng, cơ quan chức năng kê biên 14 lô đất ở sân vận động này. Trong đó, giữ lại 11 lô để thi hành án. Còn lại 3 lô giải toả giao các ngân hàng. Tuy nhiên, 3 lô này lại nằm ở vị trí phía trong của sân vận động Chi Lăng. “Nếu giải toả 3 lô đất sẽ phá nát quy hoạch của thành phố trước đây là xây dựng khu phức hợp. Do đó không thể thi hành án được nên chúng ta cần phải xử lý dần”, ông Thu nói.

Vì thế, quá trình tổ chức THA gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản, Cục THADS đã xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục THADS Bộ Tư pháp và tham mưu UBND thành phố họp liên ngành để có hướng giải quyết. Đồng thời, đang kiến nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP