Tin địa phương

Vực du lịch TP Đà Nẵng sau đại dịch Covid-19 bằng kinh tế đêm?

Lần đầu tiên sau 23 năm nền kinh tế của TP Đà Nẵng tăng trưởng âm. Hàng quán đóng cửa, người thất nghiệp tràn lan... Covid-19 để lại cho Đà Nẵng quá nhiều khó khăn, hệ lụy. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế đêm làm động lực cho du lịch được nhắc đến như một khái niệm tuy còn mới mẻ nhưng chứa nhiều kỳ vọng.

TP Đà Nẵng "hậu Covid-19"

Ngày 10/7, tọa đàm "Kích cầu du lịch TP Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm dịch vụ giải trí đêm" diễn ra đã thu hút gần 100 người hoạt động trong các lĩnh du lịch, truyền thông, kinh tế... phần nào cho thấy sức nóng của vấn đề đối với thành phố ven biển này hiện nay. Tại tọa đàm, câu chuyện dư âm, hậu quả mà Covid-19 để lại trong mấy tháng qua được nhiều ý kiến nhắc đến.

Theo ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đây là thành phố mà du lịch - dịch vụ được phát triển như một mũi nhọn. Năm 2019, TP Đà Nẵng đã đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó khách nước ngoài xấp xỉ gần 3 triệu, góp phần quan trọng đóng góp cho tỉ trọng tăng trưởng GRDP. Tỉ trọng du lịch TP Đà Nẵng đạt gần 64%. Thành phố được nhiều tổ chức du lịch và các tạp chí danh tiếng quốc tế bình chọn. Thứ hạng của thành phố sông Hàn luôn luôn ở vị trí cao trong bảng xếp hạng.

Câu chuyện khó khăn thời kỳ "hậu Covid-19" của thành phố du lịch Đà Nẵng được nhiều ý kiến nêu ra tại Tọa đàm.

"Tuy nhiên, cũng như cả thế giới, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Với riêng TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt âm 3,61%. Đây là lần đầu tiên thành phố ghi nhận tăng trưởng âm sau 23 năm", Phó Chủ tịch TP tâm tư.

Lý giải về mức tăng trưởng âm này, ông Lê Trung Chinh cho biết: "Đời sống người dân ảnh hưởng vì mất việc làm, các doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất mà ngành ảnh hưởng rất lớn là lĩnh vực du lịch - ngành chiếm tỉ trọng 64% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Khi du lịch bị ảnh hưởng thì đương nhiên tỉ trọng tăng trưởng kinh tế cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng".

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, đến đầu tháng 7/2020, rất nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh du lịch, ăn uống ở TP Đà Nẵng vẫn "cài then chốt cửa" bởi vắng bóng khách du lịch. Hàng ngàn nhân sự ngành du lịch thất nghiệp hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Qua gần 1 tháng lượng khách đến TP Đà Nẵng đạt gần 500.000 lượt, nhưng vẫn chủ yếu là khách nội địa.

Thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu cũng như thiết lập sự liên kết du lịch với nhiều địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, sắp đến là Quảng Ninh và các hãng hàng không, các tập đoàn lớn... Tuy nhiên, khó khăn, thách thức không phải là nhỏ đang chờ đợi đầu tàu kinh tế miền Trung này.

TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đêm.

Kinh tế đêm: Tiềm năng và thách thức!

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc sở Du lịch TP Đà Nẵng - cho rằng, đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động, ngoài việc triển khai chương trình kích cầu du lịch đã có tác động tốt, sức lan tỏa cao, phát triển kinh tế ban đêm có thể được xem là một trong những đòn bẩy quan trọng vừa phục vụ mục tiêu trước mắt là khôi phục hoạt động du lịch sau dịch, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Lãnh đạo sở Du lịch TP Đà Nẵng nhìn nhận, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm. Thứ nhất, hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tương đối hiện đại, đồng bộ. Các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất đa dạng, phong phú như: các bãi biển đẹp, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực đặc sắc… đang trở thành điểm đến ưa thích cho du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động, dịch vụ về đêm (giải trí, mua sắm, ăn uống, tham quan) trên địa bàn thành phố đã cơ bản hình thành và từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, môi trường an ninh, an toàn, công tác hỗ trợ du khách, thương hiệu du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định với danh hiệu điểm đến hấp dẫn… là những cơ sở giúp TP có cơ hội phát triển kinh tế đêm...

Hiện tại, việc phát triển kinh tế đêm của TP. Đà Nẵng còn manh mún, nhỏ lẻ. Trong ảnh là khu phố đêm Thanh Khê Tây vắng bóng người.

Ông Lê Trung Chinh cho rằng, sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu kinh tế đêm, địa phương đã bắt tay vào tìm các giải pháp. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm là một lĩnh vực mới đối với đất nước và với riêng TP Đà Nẵng, lĩnh vực này còn mới mẻ hơn nhiều. Thực tế triển khai kinh tế đêm ở TP Đà Nẵng còn nhỏ, khó khăn và manh mún.

"Việc phát triển kinh tế đêm để phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới. Thành phố có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng, thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại thành phố được phát triển các sản phẩm mới", ông Chinh nói.

Mặt trái của "đồng xu"!

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế đêm như một chiến lược cạnh tranh và phát triển của các đô thị thời đại hậu công nghiệp, như một giải pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam bởi tận dụng lợi thế đi sau từ các nước trên thế giới, như là giải pháp chớp thời cơ "hậu Covid-19" cho TP Đà Nẵng.

"Kinh tế đêm là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày, kéo dài từ 17 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, tạo thành cuộc sống kinh tế ban đêm. Đó là một nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực và nguồn lực đặc thù: Dịch vụ - tiêu dùng (ẩm thực, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí, v.v.) đóng vai trò chính", TS Trần Đình Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng kinh tế như là giải pháp chớp thời cơ "hậu Covid-19" cho TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, vẫn có những mặt trái cần chú ý.

Về lợi ích, vị chuyên gia này cho rằng, kinh tế đêm thúc đẩy du lịch đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vốn vắng vẻ vào đêm. Sử dụng thời gian đêm muộn là cách thức thúc đẩy phát triển, sáng tạo. Tạo ra nền kinh tế hoạt động liền mạch 24 giờ, thúc đẩy ngược lại kinh tế ngày. Xây dựng chân dung đô thị mới thân thuộc và thân thiện hơn, nhiều hoạt động hơn, nhiều ánh sáng, an ninh và an toàn.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhìn nhận, vẫn có mặt trái của "đồng xu". Kinh tế đêm với lợi ích đó nhưng vẫn kéo theo những điều chưa được. Phát triển kinh tế đêm nghĩa là thêm “một nền kinh tế”, làm thay đổi sâu sắc cấu trúc phát triển đô thị. Kinh tế đêm cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực về đô thị và xã hội như bạo lực, ma túy, tội phạm, ô nhiễm tiếng ồn, và nhiều vấn đề khác.

"Các ngành công nghiệp giải trí ban đêm bị chi phối bởi các giao dịch tiền mặt và thế giới ngầm. Lĩnh vực này thiếu dữ liệu cơ bản, khó thiết kế chính sách quản lý điều hành hiệu quả. Kinh tế đêm dễ khiến giới trẻ đua đòi lai căng và lệch lạc văn hóa. Sức hấp dẫn kinh tế đêm lớn nên tác động xã hội mạnh và rộng" - PGS. TS Trần Đình Thiên đánh giá.


Tác giả: N.T

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: kinh tế đêm , Covid-19 , du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP