Xã hội

Vụ sạt lở ở Quảng Nam: Khiêng nạn nhân vượt 18 km để cấp cứu

Bà Hồ Thị Hằng, một trong những nạn nhân nằm thẫn thờ trên võng, nước mắt ứa ra vô định. Nhóm thanh niên đã khiêng bà băng núi, băng rừng 18 cây số, ra trung tâm.

Theo ghi nhận của PV, đến 17h ngày 29/10 xe cấp cứu 115 đã chuyển thêm 6 bệnh nhân xuống trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Cả 6 bệnh nhân đều bị thương như gãy tay, gãy chân...

Trò chuyện với PV, chị Hồ Thị Hồng, trú xã Trà Leng kể rằng, hàng chục thanh niên làng đào bới trong đống đổ nát, tìm kiếm nạn nhân.

"Cả mấy chục nhà bị vùi hết. Người sống sót cứu người gặp nạn. Chúng tôi không tưởng tượng được chuyện vừa xảy ra".

Với nạn nhân Hằng, thanh niên trong làng đã khiêng bà quãng đường dài đến 17 - 18 km.

Chị Hồ Thị Hồng chia sẻ với PV.

"8h sáng 29/10, thanh niên họ khiêng đi, đến 13h chiều mới ra ngoài được. Cô Hằng bị thương nhiều, chồng cô chết rồi", chị Hồ Thị Hồng chia sẻ.

Trao đổi với PV, đại diện trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My thông tin, đã có 11 người dân tại xã Trà Leng được đưa về đây cấp cứu. Trong đó, có 2 bệnh nhân bị thương nặng được chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chữa trị.

Các nạn nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Theo các nạn nhân cho biết, sự việc lở núi xảy ra vào trưa 28/10. Sau 1 tiếng "ầm" lớn, cả nóc Bồ Đề, thôn 1, xã Trà Leng bị vùi lấp.

"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh kinh hoàng, tang thương như thế", 1 người dân cho biết.

Những người còn sống được người dân khiêng từ hiện trường gần 10km từ điểm sạt lở kinh hoàng đến đường lớn chờ được cấp cứu.

Đến hiện tại, lực lượng chức năng đã cứu được 33 ra khỏi đống đổ nát. Trong đó có 16 người bị thương nặng và tìm thấy 6 thi thể, hiện vẫn còn 13 người đang mất tích.

Các y, bác sĩ đang nỗ lực cấp cứu cho các bệnh nhân vụ sạt lở.

Ghi nhận của PV, ngoài vụ sạt lở kinh hoàng tại huyện Nam Trà My, hiện tỉnh Quảng Nam còn 2 vụ sạt lở, 1 vụ người dân bị chia cắt do ảnh hưởng cơn bão số 9, đang cần cứu hộ.

Chiều 29/10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, ông đang cùng đoàn cứu hộ của tỉnh cố gắng tiếp cận hiện trường vụ sạt lở tại thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, có 11 người bị vùi lấp.

Trước đó, chiều 28/10, 1 vụ sạt lở tràn vào nhiều nhà dân ở thôn 3 khiến 11 người mất tích.

Sau nhiều giờ băng rừng, cán bộ thôn 3 đã ra báo cáo với chính quyền xã về thông tin vụ sạt lở. Lực lượng tại chỗ của thôn đã tìm thấy 3 thi thể trong vụ sạt lở này.

Do mưa lớn, đường lên xã Phước Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều cây cối bị ngã đổ.

Ngoài ra, nước sông Đăk Mi 2 lên cao khiến việc tiếp cận hiện trường vụ sạt lở gặp khó khăn. Lực lượng chức năng đang dọn đường, thông tuyến để vào hiện trường nơi 11 người dân bị vùi lấp, để tổ chức tìm kiếm.

Hiện, vẫn còn 13 người mất tích trong vụ sạt lở ở Nam Trà My.

Một nhóm cứu hộ khác đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở khiến 2 cán bộ xã Phước Lộc bị vùi lấp khi đi giúp dân chống bão.

Hai cán bộ xã bộ vùi lấp là anh Hồ Văn Độ, Phó Bí thư đoàn xã Phước Lộc và anh Hồ Văn Sợ, cán bộ dân vận xã. Lực lượng chức năng vẫn đang đào bới, tìm kiếm thi thể 2 cán bộ này và chưa tìm thấy.

Cũng vì ảnh hưởng bão số 9, cầu qua sông Đăk Mi đã bị trôi dầm cầu gây chia cắt. Đường qua đoạn này cũng bị sạt lở nhiều khu vực. Điều này khiến 200 công nhân làm việc tại nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 và các khu vực lân cận bị cô lập.

Theo báo cáo ban đầu, không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, nhà máy đang lắp đặt và bị ngập nước toàn bộ, không có thiệt hại về người.

Ông Hà thông tin: “Nếu không thực hiện được, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ trực thăng để chuyển lương thực cho nhóm công nhân này”.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP