Cuộc sống

'Về nhà đi con'

Khi Đàm lấy trộm tiền của cha mẹ và có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng bên đám bạn giang hồ, mẹ anh khóc hết nước mắt. Một lần, bà đang ôm bao cà phê rồi đổ gục xuống chân Đàm: 'Về nhà đi con'.

Gia đình là nơi an yên nhất với mỗi người - Ảnh minh họa: Shutterstock

Về nhà đi con, bốn chữ ấy đã khiến chàng trai ngỗ ngược tỉnh thức để quay đầu làm lại, vượt nhiều sóng gió, chông gai để đổi thay thân phận, Nguyễn Thanh Đàm từ 2 lần vào tù tới ông chủ 4 công ty như Báo Thanh Niên từng đăng tải.

Khi tôi phỏng vấn Đặng Minh Đức, người từng có 29 ngày tạm giam cho tới bây giờ đã có một công ty riêng với người anh trai của mình về kiến trúc, thiết kế nội thất tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), thật trùng hợp, Đức nói, cái để thôi thúc Đức quay đầu, tìm thấy bờ bến của chính mình, thoát khỏi những lầm lỡ cũng chính là gia đình, với người cha nghiêm khắc luôn muốn con sống phải có nếp nhà. Và người mẹ, tảo tần sớm hôm, từng chạy khắp các bến xe, quán nhậu, nhà hàng để tìm Đức giữa đêm hôn và khóc “Về nhà đi con”.

“Về nhà”, không đơn thuần là có mặt trong mái nhà nơi ta từng lớn lên. Về nhà, còn có nghĩa là trở về, quay đầu lại, làm lại cuộc đời mình, sửa chữa những lỗi lầm mình từng gây ra. Những thanh niên từng trải qua những sai lầm trong quá khứ của mình, từng phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật chiêm nghiệm “gia đình là cái nôi quan trọng nhất hình thành nhân cách của mỗi con người. Cũng gia đình là bờ bến bao dung có thể giúp cho con người ấy đổi thay, dẫu có những lầm lỗi. Nếu một người biết quay đầu, nhưng ngay cả gia đình anh ta cũng không đón nhận và dung dưỡng anh, giúp anh phục thiện, chẳng nơi nào trên thế giới này có thể làm thay được việc đó”.

Nghỉ lễ 30.4, đợt nghỉ dài những 5 ngày, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở TP.HCM khoe với chúng tôi những hình ảnh chụp trong vườn điều của bà ngoại. Trong khi cô mải mê tìm kiếm nông sản sạch ở các vùng miền để kinh doanh trên thành phố, thì ở mảnh vườn trồng điều của ngoại, nông sản vẫn được mùa mất giá, người nông dân chỉ biết trồng và thu hoạch, còn lại bán ở đâu vẫn là câu hỏi. Hương ngẫm ra, nguồn nông sản sạch gần gũi bên mình biết bao nhiêu. Cô càng thôi thúc ý định trở về quê sau khi tốt nghiệp đại học, làm nông nghiệp sạch, giúp những người nông dân chân chất như mẹ cô, ngoại cô có thể làm giàu từ cây, cỏ. “Về nhà đi con”, lời mẹ vẫn nói với Hương sắp trở thành hiện thực. Nhà, là quê hương, về nhà là về quê khởi nghiệp, không nhất thiết phải bươn chải giữa một phố thị xô bồ nào khác.

Cũng trong dịp lễ 30.4 này, chúng tôi thấy mạng xã hội rộn ràng những hình ảnh đi du lịch khắp nơi. Sầm Sơn đông nghịt người, Hạ Long chen nhau từng mét nước, Vũng Tàu tắc đường, Phan Thiết quá tải… Nhìn ở một góc khác, những người bạn của chúng tôi cũng khoe những hình ảnh đầm ấm, quây quần bên mâm cơm gia đình. Cả nhà đi chợ từ sớm, mẹ làm những món con thích, ông bà cháu con thích thú ra vườn hái trái cây, trong cái nắng gắt của buổi trưa, bữa cơm cây nhà lá vườn nhưng thơm nức mùi vị của tình yêu thương trở nên ngon lành hơn bất cứ cao lương mỹ vị nào.

Tôi nhìn ảnh các bạn chia sẻ trên Facebook mà lòng rưng rưng. Tôi đã có những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi khắp các vùng miền, những ngày lễ tết cũng chưa về nhà vì còn mải mê khám phá một miền đất mới. Mẹ nhắn tin “Về nhà đi con”, chạnh lòng một chút đấy, nhưng lại tặc lưỡi, “nhà thì bao giờ về chẳng được, không đi du lịch được thì đến bao giờ mới đi”. Và bây giờ, khi lập gia đình ở một nơi rất xa, muốn về nhà ôm mẹ trong một sớm mai, uống với ba bình trà trong buổi chiều hôm, cũng bao cách trở. Ngẫm lại những năm tháng ấy chỉ thấy trách mình…

“Về nhà đi con” tôi nghĩ rằng đó là bốn từ kỳ diệu. Nó đủ sức đổi thay số phận một con người không, tôi cam đoan rằng có. Những nhân vật mà chúng tôi đã gặp, và viết, đã chứng minh điều ấy. Nhà là mái ấm, nơi chở che tâm hồn của bất cứ ai, dù có khôn lớn, trưởng thành tới đâu đi chăng nữa. Nhà, là nơi, ta có sai lầm, có thất bại, có đổ vỡ, không làm được những ước mơ mà mình ao ước bấy lâu… ta vẫn có thể trở về, trong vòng tay yêu thương của mẹ cha, trong hai chữ thứ tha của người nuôi ta khôn lớn.

“Về nhà đi con”, mẹ tôi nhắn cho tôi trong một ngày rất gần. Còn bạn, bạn có về nhà mình trong những ngày nghỉ lễ ?

Tác giả: Thúy Hằng

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: mẹ , gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP