Tin địa phương

Thủy điện Đăk Mi 4 đã xả nước đẩy nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ

Trước yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Công ty CP Thủy điện Đăk Mi 4 đã tăng lưu lượng xả nước về hạ du sông Vu Gia từ 3,2 m3/s lên 12,5 m3/s nên tình hình nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ cơ bản đã được giải quyết!

Chiều 14/9, Phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho hay, theo báo cáo nhanh của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), sau khi hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 vận hành tăng lưu lượng xả nước qua đập về hạ du sông Vu Gia tối đa 12,5 m3/s, trong ngày 13/98 tình hình nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ cơ bản đã được giải quyết.

Theo báo cáo của Dawaco, sau khi thủy điện Đăk Mi 4 tăng lưu lượng xả nước về hạ du sông Vu Gia từ 3,2m3/s lên 12,5 m3/s thì tình hình nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ cơ bản đã được giải quyết! (Ảnh: HC)


Vào lúc 15h29 phút ngày 13/9, độ mặn cao nhất ghi nhận được trong ngày tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch là 129 mg/l, mực nước thấp nhất là 1,9m. Trước đó, từ ngày 31/8 đến ngày 05/9, nguồn nước thô tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, độ mặn thường xuyên dao động ở mức cao từ 260 đến 2.000 mg/l, cao nhất là 2.019 mg/l vào lúc 09h ngày 05/9.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, tình hình nhiễm mặn nguồn nước và mực nước tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch xuống mực nước chết gây thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP đặc biệt được quan tâm từ đầu mùa lũ đến nay. Trước kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng, ngày 12/9, Cục Quản lý Tài nguyên nước (QLTNN) đã gửi Công văn hỏa tốc 2037/TNN-NM cho chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia về điều tiết, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia.

Sau khi nhận được Công văn 2037/TNN-NM, Công ty CP Thủy điện Đăk Mi (Quảng Nam) đã thực hiện xả nước về hạ lưu sông Vu Gia tăng từ 3,2 m3/s lên tối đa 12,5 m3/s bắt đầu từ lúc 07h00 sáng 13/9 theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng và chỉ đạo của Cục QLTNN.

Trước đó, từ ngày 01/9, hồ Đăk Mi 4 vận hành theo chế độ vận hành mùa lũ, xả qua cống xả sâu về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng 3,2 m3/s. Lưu lượng xả như vậy đúng theo quy định tại Điều 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhưng không phù hợp với tình hình diễn biến nắng nóng bất thường của thời tiết năm nay và không đảm bảo nguyên tắc ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt trong trường hợp xảy ra hạn hán, nhiễm mặn gay gắt không đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tại Công văn 2037/TNN- NM ngày 12/9, Cục QLTNN đã chỉ đạo các Công ty quản lý, vận hành hồ chứa A Vương và Sông Tranh 2 vận hành điều tiết với lưu lượng tương đương lưu lượng đến hồ; Công ty CP thủy điện Đăk Mi vận hành xả nước qua đập về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 12,5 m3/s. Trường hợp cần thiết, các Công ty này phải sử dụng một phần dung tích chết của hồ chứa để điều tiết cấp nước cho hạ du.

Được biết, sáng 13/9, tại trụ sở Công ty thủy điện Sông Tranh (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng), đoàn thanh tra của Bộ TN&MT do Phó Cục trưởng Cục QLTNN Châu Trần Vĩnh làm Trưởng đoàn đã công bố Quyết định 2754/QĐ-BTNMT thanh tra việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Mục đích của đợt thanh tra nhằm đánh giá toàn diện việc chấp hành các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và quy định của giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Qua đó ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đảm bảo phù hợp thực tiễn.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, trước thực trạng nguồn nước mất an toàn như hiện nay, vấn đề sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước thải để phục vụ tưới cây và các mục đích khác cần sự tham gia tự nguyện, có trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP.

Để việc tái sử dụng nước thải an toàn cho môi trường, việc vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải đặc biệt quan trọng để nước thải sau xử lý đáp ứng Quy chuẩn cho phép tái sử dụng, nhằm tránh việc đưa chất thải vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

Sở TN&MT Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các cơ sở bố trí nhân viên có trình độ chuyên môn để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Trường hợp các cơ sở không có năng lực tự vận hành hệ thống xử lý nước thải, phải hợp đồng với đơn vị có năng lực để thực hiện.

Việc thực hiện tái sử dụng nước thải sinh hoạt sau xử lý để tưới cây hiện đang triển khai thí điểm tại một số khu nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, để đánh giá rút kinh nghiệm trước khi Sở TN&MT trình UBND TP Đà Nẵng quy định để bắt buộc triển khai thực hiện.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: thủy điện , đà nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP