Kinh tế

"Sốt" đất ăn theo dự án của SunGroup: Không phải "sốt" mà… rất "sốt"

Có lẽ chưa bao giờ tại một huyện miền núi Thanh Hóa lại có hiện tượng "sốt" đất như thời gian qua.

Thời gian qua, tình trạng "sốt" đất diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thanh Hóa cũng không nằm ngoài "cơn sốt" này. Điều đặc biệt là hiện tượng đất tăng giá không chỉ ở các địa phương lân cận thành phố mà còn diễn ra tại các huyện vùng nông thôn, miền núi.

Từ sau Tết Nguyên đán, đất tại một số khu vực của huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa tăng chóng mặt (Ảnh: Trần Lê).

Giá đất tại huyện Như Thanh - nơi dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư - tăng mạnh.

Như Thanh là một huyện miền núi, nằm cách thành phố Thanh Hóa 35 km về phía Tây Nam. Từ sau Tết Nguyên đán, giá đất ở khu vực lân cận dự án đã tăng gấp nhiều lần so với trước đó.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021, trước câu hỏi của phóng viên về hiện tượng "sốt" đất, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, khẳng định là có thật. Theo ông Dũng thì đất không chỉ "sốt" mà rất "sốt". Lãnh đạo huyện Như Thanh cũng không hiểu vì sao người từ khắp nơi đổ về huyện Như Thanh để tìm mua đất, trong đó có người từ Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn, Ninh Bình…

"Người ta không cần biết đất này là chính chủ, đất được phép mua bán hay không, thủ tục có hợp lý không... UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc tìm hiểu", ông Dũng cho biết.

Ông Dũng thông tin, huyện Như Thanh đã ban hành nhiều văn bản gửi cho UBND các xã, thị trấn và phổ biến trên các hệ thống thông tin tuyên truyền để nhằm cảnh báo và tránh thiệt hại cho người dân. Khoảng một tuần trở lại đây, hiện tượng "sốt" đất có dấu hiệu lắng xuống.

Theo ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, thì "sốt" đất là có thật và không chỉ "sốt" mà rất "sốt" (Ảnh: Trần Lê).

Trước thông tin về việc tạm dừng cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa… của các hộ cá nhân tại khu vực đang điều chỉnh quy hoạch dự án của Tập đoàn SunGroup, ông Phùng Đình Ảnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa khẳng định, không có văn bản nào liên quan đến tạm dừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Ảnh, việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân là một giao dịch thường xuyên của ngành tài nguyên môi trường.

Liên quan đến vấn đề "sốt" đất hiện nay, theo ông Ảnh, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đang phối hợp với Sở Xây dựng có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.

"Hiện nay, văn bản đang được xây dựng, trên tinh thần tham mưu là công khai các quy hoạch, công khai tình trạng, điều kiện kinh doanh bất động sản và một số vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai", ông Ảnh thông tin.

Còn Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, hiện nay nhu cầu làm thủ tục liên quan đến đất đai tại địa phương rất cao, khối lượng công việc lớn nhưng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai của huyện chỉ có 5 người. Vì vậy, huyện Như Thanh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thêm 6 nhân sự để hỗ trợ địa phương đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tháng 4/2016, SunGroup và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Quần thể Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En. Tổng mức đầu tư là 9.990 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là 4.995 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 4.995 tỷ đồng.

Thanh Hóa cũng đã có kế hoạch thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm bảo đảm các điều kiện khởi công dự án vào cuối năm 2021.

Tác giả: Trần Lê

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP