Trong nước

Sở GTVT và Trung tâm chống ngập chưa làm hết trách nhiệm trong việc giải ngân

Ngày 29-11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X đã tổ chức Hội nghị lần thứ 22 mở rộng.

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại của thành phố, đặc biệt là việc chậm giải ngân của nhiều sở ngành, quận huyện.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khi người dân đề nghị sửa đường, chính quyền nói còn thiếu vốn; dân đề nghị giải quyết ngập nước, thành phố nói chưa có kinh phí, nhưng việc này chỉ đúng một phần. Bởi đến thời điểm này, nhiều sở, ngành đã không sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công được bố trí cho năm nay.

Chỉ rõ tên 2 đơn vị giải ngân chậm là Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm chống ngập, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là hai đơn vị phụ trách các vấn đề “nóng”, bị người dân bức xúc nhiều là kẹt xe, ngập nước nhưng lại không kịp giải ngân hết phần vốn đầu tư công.

Cụ thể, Sở GTVT có 454 dự án, kế hoạch đăng lý vốn trong năm nay lên đến hơn 4.510 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân đến cuối tháng 10 vừa qua mới chỉ đạt 58,2%. Điều này có nghĩa số vốn đăng ký của Sở GTVT vẫn còn đến 1.900 tỷ đồng và chắc chắn không thể giải ngân kịp trong 2 tháng cuối năm.

Ngập lụt nghiêm trọng do mưa bão, triều cường nhưng dự án chống ngập 10 ngàn tỉ tại TP Hồ Chí Minh đã phải bị “đắp chiếu” hơn 7 tháng.

Với Trung tâm chống ngập, năm nay đơn vị này có 106 dự án, kế hoạch đăng lý vốn ngân sách cũng ở mức hơn 1.129 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 10 chỉ mới giải ngân được hơn 53%.

Trước thực trạng này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: Hai lĩnh vực người dân bức xúc nhất, nhưng lại giải ngân vốn chưa được 60%. Người đứng đầu các lĩnh vực này suy nghĩ gì, trách nhiệm với Đảng bộ thành phố và người dân ở đâu?

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn chỉ rõ tình trạng các quận, huyện giải ngân nguồn vốn đầu tư công thấp. Trong đó chỉ có 6 quận giải ngân đầu tư công đạt hơn 80% và 4 quận giải ngân vốn ở mức 70-80%, còn lại là dưới 70%, thậm chí có một số huyện chỉ giải ngân được duới 60%.

Với các sở, thì Sở NN&PTNT, Sở Công thương cũng không kịp chi hết tiền đầu tư; tỉ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư thấp nhất trong khối các sở thuộc về Sở TN-MT với mức giải ngân 30%; Sở Quy hoạch – Kiến trúc giải ngân đạt chỉ 22%.

Ngoài ra, thành phố bố trí vốn cho Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh số tiền hơn 300 tỷ đồng, nhưng DN này chỉ giải ngân được 43%; Công ty CP Công trình Sài Gòn giải ngân được 42%.

Tương tự, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình đô thị dù được bố trí 391 tỉ đồng thì tỉ lệ giải ngân cũng chỉ có 32%; Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Tân Thuận được ngân sách bố trí 359 tỉ đồng, song DN chỉ giải ngân được vẻn vẹn 8%; Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn được bố trí vốn 161 tỷ đồng cũng chỉ giải ngân được 3,5%.

Trước tỉ lệ giải ngân quá thấp trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải xem xét lại hiệu quả của việc lập kế hoạch đầu tư.

Ngoài ra, trong đợt tổng kết cuối năm nay các đơn vị phải rà soát, kiểm điểm việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trong 3 năm qua, để xem xét cả trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Trước đó, trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND cuối năm vào chiều ngày 28-11, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và tổ Đại biểu HĐND đã nhận được nhiều phản ánh bức xúc từ cử tri về tình trạng ngập nước trầm trọng trong thời gian vừa qua, nhất là trong và sau cơn bão số 9, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc của người dân.

Chủ tịch UBND quận 4 – ông Trần Hoàng Quân thông tin, 2 hạng mục lớn trong dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là cống Tân Thuận và Cống Bến Nghé, khi hoàn thành sẽ góp phần kiểm soát triều, giải quyết ngập cho toàn bộ quận 4. Lẽ ra theo kế hoạch, nhà đầu tư đã hoàn thành trong tháng 9 vừa qua, nhưng do không được giải ngân vốn, việc thi công các hạng mục này đã phải ngưng từ cuối tháng 4.

Về dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, đây là dự án trọng điểm nhưng dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. Thành phố đã bàn với nhà đầu tư để tìm hướng tháo gỡ vướng mắc để trong một thời gian ngắn nữa dự án sẽ tái khởi động.

Tác giả: Đ.Thắng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP