Xã hội

Quảng Nam: "Xẻ thịt" rừng già, bao giờ thì lâm tặc "rưng rưng nước mắt"?

Hậu quả của việc phá rừng đã được minh chứng trong những năm gần đây, lũ quét, ngập lụt, sạt lở núi... Thế nhưng, vì lợi nhuận, lâm tặc vẫn tiếp tục tội ác của mình.

Sau vụ phá rừng pơ-mu ở huyện Nam Giang (2016), phá rừng nguyên sinh ở huyện Tiên Phước (2017), mới đây, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát hiện 2 vụ phá rừng ở huyện Đông Giang và huyện Nam Giang.

Những cây gỗ lim quý bị chặt phá ở Nam Giang.


Phá tan rừng già ở huyện đông Giang

Qua công tác tuần tra, ngày 8/3, Công an huyện Đông Giang phát hiện 1 xe tải có nhiều nghi vấn đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh thuộc xã Zà Hung (huyện Đông Giang). Khi lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng, các đối tượng trên xe trút xuống đường một số phách gỗ rồi bỏ chạy.

Kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng, có 5,077m3 gỗ và được xác định gỗ thuộc khu vực Đông Giang.

Mặc dù các đối tượng bỏ chạy nhưng lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc và đưa ra ánh sáng 5 đối tượng có liên quan là Vũ Văn Trứng (SN 1982), Vũ Văn Cưng (SN 1978, cùng trú xã A Ting, Đông Giang), Nguyễn Hùng (SN 1992), Bnướch Hồng (SN 1983), A Ting Bnóc (cùng trú xã Jơ Ngây, Đông Giang).

Kết quả khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an cho thấy có 33 cây gỗ chò, xoan đào thuộc nhóm III đến VII đã bị khai thác với tổng khối lượng cây đứng là 72,662m3, tại hiện trường có 8 phách gỗ xẻ, 5 lóng gỗ tròn và một thân cây gỗ, tổng khối lượng 13,154m3.

Sau khi nhận được thông tin vụ phá rừng, sáng ngày 30/3, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đã đến tận hiện trường kiểm tra thực tế.

Tại đây, vị Phó chủ tịch tỉnh đã thốt lên rằng: “Tôi thật sự đau xót khi tận mắt chứng kiến những cây cổ thụ ngã xuống như thế này, nó đau như máu trong người tôi đổ xuống vậy”.

Nói về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, ông Hồ Văn Minh- Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn cho biết, đơn vị đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuần tra, bảo về rừng trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán theo Kế hoạch 147 của UBND tỉnh. Các tổ kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với chủ rừng tăng cường tuần tra giám sát tại các điểm trọng yếu.

“Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, cả đơn vị chỉ có 21 đồng chí, trong đó, 3 đồng chí quản lý khu vực huyện Đại Lộc, địa bàn quản lý lại quá rộng nên công tác tuần tra gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, đơn vị đã tiến hành kiểm điểm các cán bộ thuộc trạm kiểm lâm số 3 vì đã để xảy ra sự việc trên. Bản thân tôi cũng đã tự làm kiểm điểm nhận trách nhiệm”, ông Minh cho biết thêm.

Liên quan đến vụ phá rừng này, ông Thanh yêu cầu các lực lượng chức năng chủ động tuần tra, vận động người dân tố giác tội phạm để sớm phát hiện vụ việc và ngăn chặn kịp thời.

Ông Thanh còn đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến tới xử lý đúng người đúng tội, có tính răn đe.

“Các đơn vị có liên quan phải báo cáo cụ thể để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Trên cơ sở đó, có mức xử lý thích hợp, tuỳ theo mức độ vi phạm.

Trong năm 2018, tỉnh sẽ sắp xếp lại mô hình tổ chức các BQL rừng, thay đổi phương án giao khoán bảo vệ rừng, thành lập tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng có kinh nghiệm và có phương tiện hỗ trợ.

Kiểm lâm phối hợp với Sở ngành liên quan nhanh chóng có báo cáo cụ thể việc nghiên cứu sử dụng mô hình quản lý rừng bằng công nghệ cao, chứ không thể để rừng bị tàn phá mới phát hiện”- ông Thanh chỉ đạo trong cuộc họp.

Ông Lê Trí Thanh cùng các lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường phá rừng ở Đông Giang.

“Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được”

Tiếp tục đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên - Đó là một trong 3 chủ trương lớn trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới', ngày 14/10/2017, tại Hà Nội.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh việc diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, tức là tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra.

Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn. Một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với hình thức lớn nhưng không theo quy định pháp luật, phá rừng ào ào không có nguyên tắc.

Nguyên nhân là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý nhà nước yếu kém, điều tra, xử lý thiếu kiên quyết…

“Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được. Những địa phương mà để phá rừng lớn như vậy phải xử lý trực tiếp những người có trách nhiệm, nhất là Bí thư, Chủ tịch xã, Kiểm lâm”, Thủ tướng nêu rõ.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng theo quy định của pháp luật và công khai kết quả để toàn xã hội giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, bảo vệ rừng không phát hiện, kịp thời ngăn ngừa hành vi phá rừng và kiên quyết loại khỏi cơ quan các phần tử thoái hóa biến chất trong công tác bảo vệ rừng.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định; phân công, phân cấp quản lý rõ ràng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”

Thảm sát rừng lim cổ thụ ở Nam Giang

Trong khi vụ phá rừng ở Đông Giang chưa hết nóng thì ngày 15/3, Công an huyện Nam Giang cũng mai phục và bắt quả tang 6 đối tượng khai thác gỗ trái phép.

Trước đó, công an huyện Nam Giang phát hiện tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, đoạn giáp ranh giữa ba xã Zuôich, Tà Pơơ (huyện Nam Giang) và xã Lăng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) có nhóm đối tượng hay khai thác gỗ trái phép nên đã lập chuyên án để triệt phá đường dây này.

Sau một thời gian mật phục, đến khoảng 5h ngày 15/3, hàng chục chiến sĩ công an đã bí mật ập vào bắt giữ 6 "lâm tặc" trong đường dây phá rừng này khi những người này đang ngủ trong lán trại thuộc xã Tà Pơơ.

Các đối tượng phá rừng gồm Tăng Đức Xưng (SN 1955), Nguyễn Văn Triều (SN 1978), Văn Bá Dịp (SN 1983), Phan Văn Tài (SN 1984), Lương Văn Luận (SN 1990), Lê Minh Thành (SN 1985, cùng trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

Nghe tin đồng bọn bị bắt, đối tượng Tăng Tấn Dịp (SN 1981, trú xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) cầm đầu đường dây đã đến cơ quan công an đầu thú vào chiều 15/3 và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Tại hiện trường, công an phát hiện 5 cây gỗ dổi và lim xanh có đường kính từ 0,50-1,3m đã bị cưa hạ, xẻ thành phách có khối lượng khoảng 30m3. Công an cũng thu giữ 2 cưa máy, 1 chiếc ghe máy và nhiều công cụ khai thác gỗ khác.

Mở rộng điều tra, công an phát hiện thêm các đối tượng này còn giấu 30 phách gỗ dưới lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 với khối lượng 3m3.

Trước đó, đầu tháng 3/2018, Ban quản lý và Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép có quy mô lớn tại khoảnh 1, 3 thuộc tiểu khu 335, địa phận thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl (huyện Nam Giang).

Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ gồm: 33 cây lim xanh, 1 cây xoan đào. Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại trên 235m3.

Trong đó có hơn 223m3 gỗ lim xanh, hơn11m3 gỗ xoan đào. Khối lượng gỗ tại hiện trường trên 125m3 gỗ tròn và gần 4,3m3 gỗ xẻ.

Vụ việc đã được Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố và hiện nay đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang điều tra. Theo quan sát của chúng tôi, hiện trường vụ phá rừng cách con suối Đại Hồng khoảng 500m.

Lâm tặc đã phát quang 1 con đường rộng khoảng 1m để vận chuyển gỗ xuống rồi đưa ra sông chở về xuôi tiêu thụ. Từ bờ suối men theo con đường này chừng 400m, nhiều cây lim gốc to 3-4 người ôm không xuể bị đốn hạ.

Cách đó khoảng hơn 100m, một khoảnh rừng với nhiều cây lim cổ thụ có đường kính từ 1,2 - 1,7 m vừa bị chặt phá cách đây khoảng 20-40 ngày, có cây đã được đưa ra khỏi hiện trường còn trơ lại phần gốc, có cây lâm tặc chưa kịp cưa xẻ còn nguyên cây tròn.

Từ những gì thấy được có thể nói, những kẻ phá rừng khá chuyên nghiệp, họ sử dụng cưa lốc để hạ những cây gỗ lim quý, xẻ thành phách rồi mới vận chuyển khỏi hiện trường.

Nhìn con đường mòn được lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ có thể biết được nó hình thành từ khá lâu và được sử dụng thường xuyên.

Một người dân địa phương cho biết, sau khi cưa xẻ lim cổ thụ, lâm tặc chuyển gỗ về xuôi theo đường bộ hoặc đường thủy.

Gần đây, khi thủy điện Sông Bung 4 tích nước, lâm tặc chọn cách vận chuyển gỗ theo khe suối, đưa xuống sông rồi men theo dòng sông Bung đưa về phố bán cho các đại gia.

Liên quan đến vụ thảm sát rừng lim này, bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đã thừa nhận bản thân có trách nhiệm khi để rừng trên địa bàn liên tục bị phá.

Bà Như cho biết, đã chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, trên cơ sở đó chính quyền huyện sẽ xử lý nghiêm những người liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng nhận định, vụ phá rừng lim này là rất nghiêm trọng, phức tạp nên đã chỉ đạo công an tỉnh xem xét phối hợp với Công an huyện Nam Giang điều tra làm rõ.

Tác giả: Phương Nam

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP