Xã hội

Quảng Nam: Tiếp nhận gần 12 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn vùng biên giới

Ngày 27/6, Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tiếp nhận gần 12 tỷ đồng từ Ban Quản lý dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế hỗ trợ - SCI).

Hơn 1.000 học sinh dân tộc tại huyện biên giới Tây Giang được hưởng lợi từ dự án SCI trong vòng 3 năm tới. Ảnh: H.Tân

Dự án được triển khai trong vòng 3 năm tại 4 trường: Tiểu hoc xã A Tiêng, Phổ thông Dân tộc bán trú TH xã Bhalêê, Tiểu học xã A Vương, Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS xã Dang. Mục tiêu dự án nhằm giúp đỡ hơn 1.000 học sinh tại 4 trường học, 100 giáo viên và 600 phụ huynh học sinh được hưởng lợi từ việc chăm sóc, giáo dục trẻ độ tuổi từ 6 đến 11. Dự án được tài trợ bởi SCI với tổng mức hỗ trợ hơn 11,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự án nhằm tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ em tiểu học tại trường và gia đình nhằm cải thiện kết quả học tập của trẻ dân tộc thiểu số. Phương pháp tiếp cận này sẽ bổ sung thêm yếu tố giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ để giải quyết các rào cản ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh.

Dự án cũng cải thiện môi trường giáo dục chất lượng tại các trường thông qua việc hỗ trợ cải thiện các cơ sở vật chất trường học, cải thiện một số phòng học và thư viện, góc đọc sách tại các điểm trường, cung cấp tài liệu giáo dục phù hợp cho giáo dục trẻ. Dự án còn vận động chính sách ủng hộ các phương pháp thực hành tốt trong việc cải thiện phát triển kỹ năng đọc viết và toán cho trẻ em đồng bào thiểu số.

Ngoài ra, dự án còn có nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn về các kỹ năng đọc viết cho giáo viên, phục vụ quá trình giảng dạy trẻ; xây dựng các câu lạc bộ cha mẹ tại mỗi trường tiểu học; nâng cao hoạt động cộng đồng, tổ chức nhiều sự kiện thúc đẩy việc đọc hiểu tại cộng đồng như cuộc thi “Cả nhà cùng học”, “Trại đọc”, “Hội thảo nâng cao nhận thức về thói quen đọc”… tại các điểm trường.

Được biết, đây là chương trình tiếp nối thành công của dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam”, áp dụng đối với trẻ ở độ tuổi mầm non của Tây Giang, giai đoạn 2015-2018.

Tác giả: Hoàng Tân

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP