Kinh tế

Phụ thuộc FDI: Đến bao giờ mới có thể rời vai những gã khổng lồ?

Thảo luận tại Quốc hội sáng nay (31/10), đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi: "Đến bao giờ chúng ta có thể rời vai những gã khổng lồ, tự đứng vững được trên chân của mình" khi đề cập tới sự phụ thuộc của nền kinh tế vào doanh nghiệp FDI.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân chỉ ra rằng, trong khi doanh nghiệp FDI được ưu ái thì khối doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm.

"Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính từ chối ưu đãi thuế như Samsung, gốm sứ Minh Long bị từ chối khoản hỗ trợ tài chính vì thiếu một vài thủ tục… thì có công bằng cho nền kinh tế", ông Nhân nêu.

Đại biểu cho rằng sau cơn địa chấn thu hút FDI lại là mối lo về mối liên hệ giữa FDI và tăng trưởng. Theo đó, tình trạng đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI là đáng lo ngại.

"Khu vực này chỉ đóng góp cho ngân sách thấp nhất trong các khu vực. Phần nhiều doanh nghiệp FDI báo thua lỗ, nhưng điều ngược đời là càng thua lỗ thì càng mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp mang tiếng công nghệ cao nhưng phần lớn là gia công, lắp ráp. Chúng ta cung cấp nhiều ưu đãi đặc thù cho FDI nhưng có xứng đáng", ông nói.

Trong khi doanh nghiệp FDI nhận được ưu ái thì khối doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm. (Ảnh: minh hoạ. Nguồn: Dân Việt)

Ông Nhân dẫn số liệu cụ thể cho thấy, khối doanh nghiệp FDI bổ sung nguồn lực quan trọng cho GDP, từ mức 2% năm 1992 lên 20% vào 2016, giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động, nâng thu nhập đầu người lên trên 2.000 USD. Tuy nhiên, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp song khu vực này chỉ đóng góp vào ngân sách thấp nhất, chỉ 15-19%.

Thống kê giai đoạn 2007-2015, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm liền nhưng càng lỗ doanh nghiệp FDI lại càng mở rộng sản xuất. Thống kê 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cho thấy doanh nghiệp FDI xuất hiện nhiều nhất, 46%, nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân mặc dù thời gian qua chỉ số tăng trưởng hết sức ấn tượng nhưng chỉ tiêu tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu.

"Nhưng con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu FDI giúp Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Chính điều đó dẫn tới lợi nhuận từ con số này vô cùng thấp, dù có thu 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trên con số đó cũng không đáng là bao, thậm chí bằng 0 khi báo cáo lỗ. 80% còn lại sẽ được doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc", ông nói.
Về chỉ tiêu tăng trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhắc lại ý kiến của nhiều cử tri cho rằng, số liệu tăng trưởng những năm gần đây không hợp lý. Tăng trưởng các quý tăng lên đột ngột không theo quy luật thông thường, quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I năm sau lại giảm xuống rất nhanh.

"Nếu lý giải quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút là chưa thuyết phục vì được bù đắp bởi tiêu dùng, du lịch nên tốc độ tăng trưởng cũng không thể giảm quá sâu. Mặt khác, do quy trình ngân sách nên tăng trưởng đầu năm cũng không thể giảm quá nhanh. Chính phủ giải thích rõ và có biện pháp khắc phục ngay không nên để tình trạng này tiếp tục xảy ra", ông Hàm nói.

Đề cập đến chỉ tiêu bội chi ngân sách, nợ công, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng nêu thực tế kỷ luật tài khóa hiện nay chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến năm 2030 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước, bình quân hàng năm trả lãi hơn 1 trăm nghìn tỷ đồng. Khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách Trung ương không đủ để trả nợ mà phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng nợ.

Theo đó, Chính phủ cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao. Đồng thời, cân nhắc cắt giảm 13 nghìn tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ. Ngoài ra, báo cáo QH số vốn vay cam kết với nhà tài trợ đến năm 2030 còn thiếu hoặc dư địa còn bố trí. Đồng thời báo cáo các chỉ tiêu, vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến nợ công chưa được báo cáo, đặc biệt là vốn vay ODA...

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP