Kinh tế

“Ông lớn giải khát” Coca Cola và những lùm xùm ở Việt Nam

Là một ông lớn trong ngành giải khát thế giới, Coca Cola vướng vào nhiều vụ bê bối với những vấn đề chủ yếu xoay quanh sức khỏe, môi trường và kinh doanh. Từ khi kinh doanh tại Việt Nam, Công ty này cũng gây ra khá nhiều vụ tai tiếng, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Theo Business Insider, Coca Cola là nhãn hiệu nước ngọt được đăng ký tại Mỹ vào năm 1983, chiếm 3,1% tổng sản lượng nước uống trên toàn thế giới. Trong 33 nhãn hiệu nước giải khát không cồn nổi tiếng, Công ty này sở hữu 15 nhãn hiệu. Mỗi ngày, họ bán được hơn 1 tỷ loại đồ uống. Trung bình mỗi giây, hơn 10.000 người sử dụng sản phẩm của Công ty này. 94% dân số thế giới có thể nhận ra logo của hãng.

Những con số trên chứng tỏ Coca Cola là một trong những ông lớn hàng đầu của làng giải khát. Tuy nhiên, đi cùng với sức mạnh, nó cũng là một trong những thương hiệu dính nhiều bê bối nhất với những vấn đề chủ yếu xoay quanh sức khỏe, môi trường và kinh doanh. Thậm chí Coca Cola còn bị kêu gọi tẩy chay trên chính nước Mỹ.

Nghi án trốn thuế

Về đạo đức kinh doanh, ông lớn ngành giải khát từng bị nhiều quốc gia như Mexico, Tây Ban Nha và Việt Nam lên án vì hành vi trốn thuế.

Coca Cola vào Việt Nam từ tháng 2/1994 và chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào năm 1998 với vốn đầu tư 350 triệu USD và tổng công suất của 3 nhà máy gần 400 triệu lít Coca Cola/năm. Mặc dù doanh thu hàng năm tăng trưởng đều đặn, bình quân 24% nhưng tính đến năm 2011, báo cáo tài chính của doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu. Điều này đồng nghĩa, Coca Cola không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong gần 20 năm.

Nhà máy Coca Cola tại Việt Nam

Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Coca Cola, Muhtar Kent tuyên bố, tập đoàn sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Công ty ở Việt Nam trong 3 năm tới. Tuy lỗ lớn nhưng Công ty vẫn mở rộng sản xuất. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là dấu hiệu bất thường.

Sau những nghi vấn gây xôn xao dư luận, trong một tài liệu gửi UBND TP HCM, Coca Cola Việt Nam cho biết, sau một thời gian thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp này đã kinh doanh có lãi. Cụ thể, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của Công ty đạt 16,6 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013.

Tổng số thuế mà doanh nghiệp này nộp ngân sách năm 2014 đạt 20 triệu USD, sản lượng tiêu thụ tăng 25%. Các chuyên gia tài chính nhận xét, việc Coca Cola thông báo đóng thuế là một động tác để bảo vệ thương hiệu. Bởi, sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, doanh nghiệp này buộc phải “chấp nhận” kinh doanh có lãi để bảo vệ uy tín của họ trước người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đối phó của doanh nghiệp. Bởi 20 triệu USD chỉ là con số rất nhỏ so với hiệu quả kinh doanh của Coca Cola tại Việt Nam.

Năm 2015, Coca Cola công bố doanh thu 6.821 tỷ đồng, lãi gộp 2.524 tỷ đồng và lãi sau thuế 557 tỷ đồng. Sang năm 2016, Công ty tiếp tục báo cáo doanh thu và lợi nhuận tương đương năm trước đó, với lợi nhuận đạt khoảng 500 tỷ đồng. Sang năm 2017, Coca Cola có sự tăng trưởng khi doanh thu tăng khoảng 6%, đạt 7.218 tỷ đồng… Có thể thấy, với tốc độ lợi nhuận như hiện nay, chỉ cần thêm vài năm nữa là Coca Cola có thể xử lý toàn bộ các khoản lỗ tại Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, điều đó có trở thành hiện thực hay không dường như nằm hoàn toàn trong tay Coca Cola!

Tranh cãi nảy lửa trong vụ kiện nước ngọt Coca Cola có dị vật

Ngày 5/10/2011, chị Nguyễn Thị Bình Minh (Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội) mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của hãng Coca Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011, mã 2352 C3) do Chi nhánh Công ty Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất.

Sau khi mang về nhà, chị Minh phát hiện trong đó có một chai Splash còn nguyên nắp chứa rất nhiều tạp chất và đặc biệt có hai mảnh thủy tinh vỡ bên trong chai nước. Để bảo vệ quyền lợi của mình, chị Minh đã ủy quyền cho Công ty Luật YouMe làm việc với Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam giải quyết vụ việc.

Sau nhiều lần phải hoãn phiên tòa, ngày 23/9/2015, TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã xét xử vụ việc trên. Kết quả, TAND quận Bắc Từ Liêm đã bác bỏ yêu cầu đơn kiện Coca Cola của bà Minh.

Liên tục bị "tố" xả nước thải có mùi hôi, gây tiếng ồn

Năm 2015, người dân sinh sống ngay gần nhà máy Coca Cola Việt Nam (Thường Tín, Hà Nội) liên tục phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ nhà máy. Trước phản ánh của người dân, phóng viên đã đến tận nơi nhà máy Coca Cola Việt Nam để “mục sở thị”. Theo quan sát của phóng viên, dòng sông tại khu vực xã Duyên Thái nơi nhà máy Coca Cola đóng ngay gần đó có màu đục trắng bất thường kèm theo mùi hôi khó chịu và nhiều váng vẩn lạ.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ý Như – Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại, Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam khẳng định: “Ngay sau khi nhận được thông tin từ cơ quan báo chí, chúng tôi đã rà soát lại các báo cáo về môi trường cũng như quy định xả thải của nhà máy trong khoảng thời gian trên. Các báo cáo rà soát cho thấy hệ thống xử lý nước thải cùng quy trình xả thải của nhà máy Coca Cola hoạt động tốt và đạt tiêu chuẩn...”.

Trước phản ánh Công ty Coca Cola Việt Nam xả thải, gây tiếng ồn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của người dân, cơ quan báo chí đã đề nghị Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xác minh làm rõ ý kiến phản ánh của người dân.

Tương tự, Cổng thông tin thành phố Đà Nẵng cho biết UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam tại đây thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, phải tiến hành kiểm tra, rà soát và chỉ đạo các bộ phận chức năng trực thuộc nghiêm túc thực hiện các quy định quy phạm pháp luật liên quan về bảo vệ môi trường, các nội dung đã cam kết trong hồ sơ môi trường, giấy phép xả nước thải đã được phê duyệt và các biện pháp xử lý môi trường trong quá trình hoạt động để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan tại khu vực… Nếu Coca Cola không nghiêm túc triển khai thực hiện, Đà Nẵng sẽ xem xét xử lý nghiêm và rút giấy phép hoạt động của Công ty theo đúng quy định.

Tác giả: Hoàng Thư

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP