Thế giới

Nữ doanh nhân Trung Quốc từng bị nghi "chống lưng" cho chương trình hạt nhân Triều Tiên

Bà Ma Xiaohong, nữ doanh nhân sở hữu công ty từng giao thương với Triều Tiên, bị cáo buộc là đã âm thầm hỗ trợ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Sau khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt công ty của bà, tương lai của bà Ma hiện vẫn chưa thể đoán định.

Bà Ma Xiaohong (Ảnh: Hongxiang Group)

Không lâu trước đây, bà Ma Xiaohong được coi là gương mặt đại diện cho quan hệ thương mại Trung Quốc - Triều Tiên. Ở tuổi 44, bà đã xây dựng một đế chế với doanh thu chiếm tới 20% tổng kim ngạch thương mại giữa 2 quốc gia. Bà từng được đề cử vào Hội đồng Nhân dân tỉnh, được trao đặc quyền xuất khẩu chế phẩm xăng dầu sang Triều Tiên và được ưu ái gọi với cái tên “người phụ nữ phi thường”.

Hiện tại, số phận của người phụ nữ này đang trở thành “phép thử” cho việc liệu Trung Quốc có sẵn lòng hợp tác cùng Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân Triều Tiên hay không.

Năm 2016, các công tố viên Mỹ cáo buộc bà Ma và công ty của bà hỗ trợ Triều Tiên lách các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Sau cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra về người phụ nữ này.

15 tháng sau, thông tin về số phận của bà Ma vẫn chưa được công bố. Trung Quốc cho biết họ không có đủ bằng chứng để kết luận bà Ma phạm tội như cáo buộc từ phía Mỹ rằng bà hoặc các đối tác của bà hỗ trợ chương trình vũ khí Bình Nhưỡng. Mặc dù, bà vẫn đang bị điều tra như “tội phạm kinh tế”, nhưng bà đã bị bắt hay chưa hay bà đang ở đâu vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải.

Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc dường như thể hiện quan điểm mơ hồ, không rõ ràng khi bàn về việc gia tăng lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực lên Triều Tiên. Một mặt, Trung Quốc bày tỏ sự phản đối với chương trình hạt nhân Triều Tiên, nhưng mặt khác, Bắc Kinh vẫn tỏ ra thận trọng khi áp lệnh trừng phạt lên đối tác, đồng minh lâu năm, cũng như trừng phạt công dân của nước họ.

Trung Quốc dường như miễn cưỡng thi hành các sắc lệnh chống lại Triều Tiên trong năm qua. Ngoài các yếu tố về quan hệ ngoại giao và lịch sử, các chuyên gia cho rằng yếu tố chiến lược và kinh tế cũng đóng góp một phần quan trọng.

Chuyên gia Ken E. Gause từ tổ chức CAN có trụ sở tại Mỹ nhận định Trung Quốc dường như cũng thu về những nguồn lợi hấp dẫn ở khu vực biên giới và dường như cũng tồn tại rất nhiều các mối liên hệ giữa những người tiến hành hoạt động giao thương giữa 2 nước với những người bảo trợ của họ ở Bắc Kinh.

Một nhà máy ở Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Số phận của bà Ma cho tới nay vẫn chưa có lời giải. Trung Quốc đã đóng cửa một số đế chế thương mại của người phụ nữ quyền lực. Họ tiến hành đóng băng cổ phần của bà tại công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Đan Đông Hongxiang, công ty được coi là “trái tim và khối óc” của đế chế này.

Tuy vậy, các công ty vệ tinh của Đan Đông Hongxiang vẫn hoạt động bình thường và được cho là vẫn đang tiếp tục mang lại nguồn lợi cho Bình Nhưỡng. Bà Ma vẫn được liệt kê trong danh sách với chức vị phó chủ tịch hiệp hội hợp tác giữa công ty Đan Đông Hongxiang và Tập đoàn Kinh tế Triều Tiên Liujing.

Theo New York Times, hiện một số cơ sở kinh doanh và công ty con thuộc đế chế của bà Ma đã bị đóng cửa như khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch. Đây được coi là động thái nhằm tuân thủ theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái.

Giao thương biên giới liên Triều dường như đã tạo lực đẩy cho sự “tỏa sáng” của bà Ma, song chính nó được cho là nguyên nhân góp phần vào sự đi xuống của nữ doanh nhân này.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP