Giải trí

“Những cô gái trong thành phố” - cái kết phim bi thương nhưng hợp lý?!

Dù không được lòng số đông khán giả nhưng suy cho cùng cái kết bi thương của bộ phim truyền hình “Những cô gái trong thành phố” khiến khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn về tình yêu, cuộc đời. Và đó cũng chính là yếu tố nhân văn của bộ phim.

Bộ phim truyền hình “Những cô gái trong thành phố” kể về cuộc đời của 4 cô gái Lan (Kim Oanh đóng), Mai (Lương Thanh đóng), Trúc (Hoàng Mai Anh đóng), Cúc (Thu Trang đóng). 4 cô gái có hoàn cảnh khó khăn khác nhau, họ cùng lên TP lập nghiệp và sống cùng nhau tại một phòng trọ. Tại đây, họ luôn bên cạnh, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống và trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhau.

Phim được khán giả yêu thích vì có đề tài gần gũi với cuộc sống và diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên, đặc biệt là 4 nữ chính. Có điều, trong tập 34 (tập cuối), nhân vật Lan bị chết do đỡ thay người yêu (Lâm – do NSƯT Công Lý đóng) nhát dao chí mạng, khiến cho số đông khán giả tranh cãi. Họ cho rằng cái kết như vậy đồng nghĩa với bộ phim muốn truyền tải thông điệp rằng những ai đã từng lầm lỗi như Lâm sẽ khó có được hạnh phúc trọn vẹn. Còn Lan là một cô gái tốt nhưng lại không được hạnh phúc mà phải ra đi khi tuổi đời còn trẻ, phải chăng người tốt lại không được sống cuộc đời tốt đẹp?

Cặp đôi Lâm – Lan rất được yêu thích trong phim “Những cô gái trong thành phố”. Ảnh: Đoàn làm phim

Chia sẻ về cái kết phim không có hậu, nữ diễn viên Kim Oanh cho biết bản thân cô cũng rất sốc khi biết, kết phim, nhân vật Lan của mình sẽ chết. “Từ khi phim ra mắt, khi nhà đài phát trailer đã có phân đoạn Lâm cầm di ảnh của Lan. Song có lẽ khi khán giả bị cuốn theo mạch phim và bắt đầu yêu mến các nhân vật thì họ mới để ý tới chi tiết này. Trên thực tế, bộ phim này vừa quay vừa hoàn thiện kịch bản nên đến khi chúng tôi quay tới tập 20 rồi thì vẫn chưa biết các nhân vật sẽ có cái kết như thế nào.

Thế nên khi nhận kịch bản và biết nhân vật Lan phải chết, tôi đã rất buồn và sốc. Nhưng đạo diễn Vũ Trường Khoa đã an ủi tôi rất nhiều. Chú nói rằng Lan giống như một thiên sứ được gửi tới để gắn kết các thành viên trong xóm trọ, để cảm hóa Lâm đồ tể. Và khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Lan phải ra đi. Tuy cô ấy không còn nữa nhưng sự trong trẻo, đáng yêu của Lan cùng những gì cô đã làm cho mọi người vẫn còn sống mãi. Tôi cho rằng đó là một cái kết hợp lý…”.

Kết phim luôn đóng vai trò quan trọng trong thành công của một bộ phim bởi nó thể hiện rõ nhất thông điệp mà bộ phim muốn gửi đến khán giả. Tuy nhiên, không phải cái kết viên mãn nào cũng khiến khán giả hài lòng. Ví dụ như phim truyền hình Quỳnh búp bê (năm 2018). Dù phim này có kết phim đầy màu hồng: Nhân vật Quỳnh sống cuộc sống bình yên bên con trai, Lan hết bệnh điên, được gia đình yêu thương, My Sói vào tù, Cảnh không bị chết,… nhưng khán giả vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn bởi họ cho rằng đây là cái kết khiên cưỡng, chủ yếu để chiều lòng khán giả, chứ không hợp với logic của phim.

Quay trở lại với phim “Những cô gái trong thành phố”, nguyên nhân khiến cho Lan phải chết là do đỡ nhát dao chí mạng thay cho Lâm. Ở địa vị của Lâm, một người đàn ông nóng tính, trượng nghĩa, khi biết em gái của mình bị cưỡng hiếp thì việc anh đi báo thù cho em gái là điều hiển nhiên. Chính tình huống này đã dẫn đến việc Lan đỡ dao cho Lâm. Như vậy tình tiết này khá hợp với logic phim. Có thể với nhiều người, vì họ quá yêu quý cặp đôi Lan – Lâm nên luôn muốn cho hai nhân vật này được hạnh phúc bên nhau.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì kết phim như đã chiếu lại rất sâu sắc. Nó thể hiện sự hy sinh cho tình yêu, đồng thời truyền tải đến mọi người thông điệp rằng cuộc đời không biết trước được điều gì nên khi sống hãy yêu thương, trân trọng nhau. Và một thông điệp rất quan trọng nữa là trong mọi tình huống, mọi người hãy nên giữ bình tĩnh để có cách hành xử, giải quyết đúng đắn, sáng suốt, tránh gây tổn thương cho chính mình và những người mà mình yêu thương. Bởi đôi khi sự hối hận sẽ trở nên muộn màng vì không thể cứu vãn được những hậu quả đã diễn ra.

Khán giả khi xem phim luôn có tâm lý muốn những nhân vật mình yêu thích có cái kết tốt đẹp và đó hoàn toàn là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, ở cương vị những nhà làm phim, họ vừa phải đặt mình là khán giả, vừa đặt mình ở vị trí những người làm nghệ thuật. Suy cho cùng, cái kết bi thương nhưng toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc vẫn khiến người xem ấn tượng và suy nghĩ về nó lâu hơn. Đó chính là sự thông minh của những người làm nghệ thuật.

Tác giả: An Nhiên

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP