Thể thao

Nhiễm Covid-19 có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp VĐV đỉnh cao

Những kết luận mới đây của các bác sĩ tại Đức và Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, những người từng dương tính với Covid-19 sẽ bị hạn chế chức năng phổi, từ đó gây trở ngại lớn với đời VĐV đỉnh cao.

Phát biểu trên đài n-TV của Đức, bác sĩ Christoph Specht (Đức) đưa ra nhận định: “Những bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19 vẫn có thể bị di chứng như xơ phổi dẫn đến hạn chế chức năng phổi”.

Trong khi đó, bác sĩ Owen Tsang Tak-yin, Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm bệnh viện Princess Margaret (Hong Kong), có cùng kết luận: “2/3 số bệnh nhân được phát hiện có sự biến đổi về dung tích phổi”.

Kết luận trên được bác sĩ Tsang Tak-yin đưa ra, sau khi ông kiểm tra 12 bệnh nhận khỏi bệnh Covid-19 đầu tiên tại Hong Kong.

Nhà vô địch Olympic London 2012, Cameron Van der Burgh (người Nam Phi), thừa nhận chức năng phổi suy giảm sau khi dính Covid-19

Để củng cố thêm cho kết luận của các chuyên y tế đầu ngành từ Đức và Hong Kong, chính người trong cuộc là VĐV từng giành HCV Olympic nội dung 100m ếch nam, tại Olympic London 2012, Cameron van der Burgh (người Nam Phi), đã nói về tác hại của virus Corona gây ra cho giới VĐV chuyên nghiệp.

Cameron van der Burgh bị phát hiện dương tính với Covid-19 cách nay không lâu, trong lần trả lời kênh NBC của Mỹ, cho biết: “Tôi phải thừa nhận đây là loại virus tồi tệ nhất mà bản thân phải chịu đựng. Trước khi mắc bệnh, tôi là một người khoẻ mạnh, là VĐV chuyên nghiệp. Tôi vẫn còn trẻ, không hút thuốc, sống lành mạnh và không có tiền sử bệnh nền”.

“Nhưng sau khi nhiễm virus này, tôi đang phải trải qua những cơn mệt mỏi dù triệu chứng sốt đã giảm. Hiện tại, bất kỳ hoạt động thể chất nào, gồm cả đi bộ cũng khiến tôi mệt rã rời trong hàng giờ sau đó. Nền tảng thể chất tích luỹ qua nhiều năm suy giảm trầm trọng. Việc cố gắng tập luyện ở thời điểm này chỉ càng khiến mọi thứ tệ hơn và khiến sự phục hồi càng chậm chạp. Là một VĐV chuyên nghiệp, với tôi rõ ràng điều đó không ổn” – kình ngư Cameron van der Burgh nói thêm.

Hiện tại, chưa có kết luận cuối cùng về hậu quả cụ thể do Covid-19 gây ra. Những hậu quả này, dĩ nhiên cần được theo dõi ở quy mô lớn hơn. Nhưng đặt trường hợp việc suy hô hấp, dẫn đến chức năng của phổi giảm 20-30%, thì khó mà trở lại với sự nghiệp VĐV đỉnh cao, ngay cả khi đã điều trị dứt bệnh Covid-19.

Trường hợp mà nhà vô địch Olympic trong môn bơi Cameron van der Burgh vừa phản ánh ở trên khiến sự cảnh giác từ phía các VĐV ở thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là không thừa chút nào.

Cho đến nay, chưa có VĐV Việt Nam nào dương tính với virus Corona, cũng nhờ các trung tâm thể thao, các CLB bóng đá chuyên nghiệp hiện rất thận trọng trong việc tập luyện và thi đấu, cũng như các cuộc tranh tài đã tạm hoãn.

Bản thân các VĐV nói chung cũng có quyền được bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình, có quyền nói không với các cuộc tranh tài, trong trường hợp họ cảm giác không an toàn nếu phải thi đấu trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.

Điển hình là trường hợp của các VĐV Canada và Australia, cũng như Uỷ ban Olympic của 2 quốc gia này, họ thẳng thừng từ chối tham dự Olympic Tokyo 2020 (trước khi chính phủ Nhật Bản và Uỷ ban Olympic quốc tế chính thức tuyên bố hoãn đại hội), vì cảm thấy không an toàn nếu phải dự Olympic cùng nguy cơ nhiễm Covid-19.

Sau đó đến lượt Uỷ ban Olympic của Anh nói không với Thế vận hội, với phát biểu của chủ tịch Uỷ ban Olympic Vương quốc Anh – ông Hugh Robertson: “Tôi không thấy có bất cứ cách nào để các VĐV và đoàn thể thao Vương quốc Anh có thể sẵn sàng dự Thế vận hội, nếu đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”.

Dự bất kỳ cuộc tranh tài thể thao nào mà hy sinh cả sự nghiệp, thậm chí hy sinh cả tính mạng, thì các VĐV có quyền được lựa chọn, trong bối cảnh cả thế giới đang thấy dịch Covid-19 nguy hiểm như thế nào!

Tác giả: Thiện Nhân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP